.

Tháo 'điểm nghẽn' vốn đầu tư công

Cập nhật: 19:18, 01/06/2023 (GMT+7)

Đầu tư công là một trong những động lực quan trọng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Thế nhưng, thông tin khiến nhiều người sốt ruột là hơn 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được dùng đến, đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước với lãi suất chỉ 0,8% một năm.

Đây cũng là một trong những vấn đề nóng, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra ở Thủ đô Hà Nội. "Tồn đọng hơn 1 triệu tỷ đồng trong ngân quỹ là lãng phí và chậm đưa vào khiến kinh tế mất đi động lực trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Việc này cho thấy kém hiệu quả trong sử dụng đồng tiền", đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội bày tỏ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng năm 2023 là gần 14,7% kế hoạch năm, mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Một đại biểu Quốc hội ví việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chính là “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Bởi tiền thuế, phí của DN và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại phải nằm kho ở Ngân hàng Nhà nước và không quay lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn từ kênh giải ngân đầu tư công.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công do nhiều nguyên nhân, đã được các đại biểu và tư lệnh ngành chỉ ra. Trong đó, bên cạnh nguyên nhân từ năng lực quản lý, trách nhiệm các cơ quan chức năng trong chuẩn bị vốn đầu tư, thanh quyết toán bàn giao nghiệm thu công trình; vướng do cơ chế, chính sách; còn do tính chất đặc thù của mỗi địa phương như giá đất cao khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, trong các khâu triển khai dự án thì bồi thường, giải phóng mặt bằng là khâu tốn nhiều thời gian nhất. Nhiều dự án bị ách tắc trong thời gian dài, có khi lên đến hàng chục năm vì vướng ở khâu này. Khi có mặt bằng, tiến độ triển khai dự án thường rất nhanh.

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là vấn đề mới. Từ nhiều năm qua, hoạt động này dường như luôn diễn ra theo kịch bản đã định sẵn: đầu năm giải ngân chậm, giữa năm tăng tốc và đến cuối năm thì thường đạt hoặc xấp xỉ đạt kế hoạch. Thực trạng này đã khiến cho nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, bị động khi phải chạy đua cùng vốn đầu tư công. Năm nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, việc nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công càng có vai trò quan trọng hơn là giúp thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tạo động lực cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng nội thất, hạ tầng viễn thông, cấp điện, cấp nước… phục vụ cho các công trình, dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trước hết cần rà soát, sửa đổi cơ chế, quy định gây cản trở, mà cao nhất là sửa Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần xóa bỏ thủ tục, rào cản không cần thiết nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục trong khâu chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán. Đồng thời, bộ, ngành, địa phương cần rà soát và đánh giá kế hoạch thực hiện danh mục đầu tư công, để có sự điều chỉnh phù hợp; kiên quyết điều chuyển vốn giữa các dự án, chủ đầu tư chậm giải ngân sang dự án, chủ đầu tư có tiến độ giải ngân tốt. Song song đó, cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân. Dòng vốn có nhanh chóng quay trở lại phục vụ cho nền kinh tế mới tác động lan tỏa, thúc đẩy các hoạt động kinh tế khác phát triển.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.