.

Dồn lực bứt phá từ quý III

Cập nhật: 18:08, 30/06/2023 (GMT+7)

Mặc dù phải chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới, 6 tháng đầu năm, kinh tế nước ta vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, gam màu sáng của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tiếp tục được phát huy.

Tuy GDP quý I, chỉ đạt ở mức thấp 3,32%, 5 địa phương có mức tăng trưởng âm, nhưng từ đầu quý II, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã phục hồi, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8%, thu hút gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP qúy II được thúc đẩy (tăng 4,14%), các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm, 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 3,29%.

Nhận định về triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, châu  Âu, Nhật Bản… tiếp tục giảm mạnh. Lạm phát vẫn ở mức cao, áp lực lãi suất và tỷ giá tăng khiến kinh tế nhiều nước sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại và một số nước có nguy cơ rơi vào suy thoái ngắn hạn. Thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam bị thu hẹp do sức cầu tại các thị trường truyền thống suy yếu, nhiều đơn hàng bị hủy bỏ hoặc hạn chế về số lượng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thiếu đơn hàng.

Trong khi nhu cầu tiêu dùng của thế giới sụt giảm thì ngay cả nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng không phải đã hoàn toàn phục hồi, dẫn tới sản xuất công nghiệp sụt giảm, nhiều mặt hàng sản xuất - kinh doanh thế mạnh có dấu hiệu chững lại. Đây cũng là “ổ gà” lớn nhất làm giảm đà tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của nhiều địa phương. Động lực tăng trưởng của cả nước đã âm tới 0,82%, kéo theo tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế giảm 0,28 điểm phần trăm. Nông nghiệp, dù là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa qua, nhưng khó có thể kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng đột phá. Dịch vụ, du lịch tuy có nhiều khởi sắc, và mặc dù có tới 4,6 triệu lượt khách đến Việt Nam, nhưng cũng chưa đạt đến mức tăng như cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra đại dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong quý I và quý II, kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, trong 6 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế của cả nước phải tăng hơn 7,5%. Đây là một mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; đặc biệt, những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục tác động đến sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành nghề và của nhiều địa phương.

Ghi nhận từ nhiều năm qua cho thấy, xu hướng tăng trưởng kinh tế của cả nước là thường tăng thấp trong quý I, tăng dần ở quý II và sau đó tăng tốc bứt phá ở giai đoạn nửa cuối năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, của các địa phương và các ngành nghề kinh tế mũi nhọn.

Do đó, để dồn lực bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2023, các địa phương, ngành, lĩnh vực cần khẩn trương thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế ngay từ đầu quý III. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiêu dùng nội địa; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và khó khăn trong tiếp cận thị trường mới. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn cho một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới bị suy giảm, như: sản xuất giày da, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ.

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (phấn đấu đạt mức từ 90% trở lên); đưa nhanh các gói hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế vào sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại và có thêm nhiều công trình, dự án mới được khởi công. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao trong thu hút nguồn lực mọi thành phần kinh tế.

HOÀNG LÊ

.
.
.