.

Tiết kiệm điện phải là chính sách căn cơ, lâu dài

Cập nhật: 19:19, 29/06/2023 (GMT+7)

Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 6 của Chính phủ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải mong muốn người dân, DN thông cảm do mất điện, và cho biết đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh: “Tiết kiệm điện không chỉ thực hiện khi thiếu điện mà là chính sách xuyên suốt và lâu dài từ trước đến nay. Việc này đặc biệt có ý nghĩa tại thời điểm chúng ta thiếu điện và tiết kiệm điện cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa”.

Suốt từ đầu mùa hè đến nay, các đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài không chỉ làm gia tăng nhu cầu sử dụng điện mà còn làm cạn kiệt nguồn nước ở nhiều hồ thủy điện, gây nên tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, tiết kiệm điện được đề cập vừa là giải pháp mang tính cấp bách, vừa là giải pháp quan trọng, lâu dài. Trong những ngày qua, Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan tiến hành hàng loạt giải pháp quan trọng, trong đó có triệt để tiết kiệm điện đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sử dụng điện. Từ những biện pháp “siết chặt” tiết kiệm điện đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, mỗi ngày cả nước giảm được hơn 20 triệu kWh điện, tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ. Con số này tương ứng với việc tiêu thụ điện trong vòng 1 năm của khoảng 20.000 gia đình ở mức tiêu thụ khoảng 100kWh/tháng.

Bộ Công thương cũng đã phối hợp với Bộ KH-CN tham mưu trình Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7 tới đây. Theo đó, nhiều loại phương tiện, thiết bị lạc hậu phải loại bỏ từ năm 2025.

Cùng với đó, Bộ Công thương được giao nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm tuân thủ các chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TƯ ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng như điện gió, mặt trời… nhằm đa dạng nguồn cung và bù đắp lượng thiếu hụt điện do nhu cầu sử dụng tăng cao, thì việc thực thi tiết kiệm ở mọi tổ chức, cá nhân, gia đình trong sử dụng điện mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi thời khắc được xác định vô cùng quan trọng.

Việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau 10 năm có hiệu lực được kỳ vọng nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện. Qua đó, mỗi cá nhân, đơn vị, DN sử dụng điện đều nhận thấy trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó duy trì thành thói quen, không chỉ tiết kiệm điện bằng hành vi, mà còn có sự lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm điện.

Tiết kiệm điện, cần trở thành thói quen và là chính sách căn cơ, lâu dài. Tiết kiệm điện - không chỉ khi thiếu điện mới “hot”!

HẠ VY

 
.
.
.