Thời gian gần đây, khi nhắc đến “tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT)”, nhiều người vẫn còn khá bỡ ngỡ, có phần không hiểu. Thế nhưng sau khi được lực lượng công an hướng dẫn cài đặt tài khoản ĐDĐT và tuyên truyền những tiện ích cơ bản của ứng dụng như: đăng ký lưu trú, tạm trú, chứng minh thông tin về cư trú, giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến thì ai nấy đều cơ bản hiểu. Tuy nhiên cũng có người thắc mắc vì sao đã được cấp CCCD gắn chíp rồi mà vẫn cần đăng ký tài khoản ĐDĐT.
Theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tài khoản ĐDĐT là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác tạo bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử. Trong đó, thông tin được đồng bộ vào tài khoản ĐDĐT sẽ bao gồm các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, GPLX, mã số thuế ...
Tài khoản ĐDĐT chia thành 2 mức độ với những thông tin và giá trị sử dụng không giống nhau. Trong đó, tài khoản ĐDĐT mức độ 1 gồm các thông tin về số định danh cá nhân; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính. Trường hợp là người nước ngoài thì có thêm thông tin về số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Tài khoản ĐDĐT mức độ 2 có đầy đủ thông tin cá nhân như mức độ 1, ngoài ra còn có thêm thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung và dấu vân tay. Sau khi có tài khoản ĐDĐT mức độ 2 mới có thể tích hợp các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, GPLX, mã số thuế hoặc giấy tờ khác vào thẻ CCCD gắn chíp. Và tài khoản ĐDĐT ở mức 2 sẽ có giá trị sử dụng như CCCD đối với người Việt Nam, hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế đối với người nước ngoài.
Như vậy, việc kích hoạt tài khoản ĐDĐT giúp mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến thủ tục hành chính, góp phần đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Đặc biệt, người dân sử dụng tài khoản ĐDĐT để thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền... sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp giao dịch an toàn. Khác biệt với thẻ CCCD, tài khoản ĐDĐT sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Người dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng ĐDĐT), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.
Theo chỉ tiêu của Bộ Công an giao Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thu nhận 615.000 tài khoản ĐDĐT. Để hoàn thành nhiệm vụ này, từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh phối hợp sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn công dân đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT mức độ 1 và mức độ 2. Đồng thời, tổ chức triển khai thu nhận và kích hoạt tài khoản ĐDĐT mức độ 2 cho 100% công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2023, tỷ lệ kích hoạt tài khoản ĐDĐT mức độ 1, mức độ 2 còn khá thấp, chỉ đạt 13,3%. Theo Công an tỉnh, nếu như chỉ dừng lại ở mức thu nhận tài khoản ĐDĐT mà không kích hoạt thì cũng không mang lại hiệu quả, không ứng dụng được trong thực tiễn.
Hiện nhiều người còn chưa nắm được tác dụng của tài khoản ĐDĐT. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, lực lượng công an cần tiếp tục phối hợp sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hình thức tuyên truyền cho người dân hiểu về cách sử dụng cũng như tiện ích của tài khoản ĐDĐT. Thậm chí giúp người dân cài đặt, kích hoạt và biết sử dụng những tiện ích cơ bản của tài khoản ĐDĐT như: đăng ký lưu trú, tạm trú, chứng minh thông tin về cư trú, giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời, hướng dẫn tại chỗ trong trường hợp người dân chưa nắm rõ.
TRIỆU VỸ