Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, đưa vào sử dụng đã rút ngắn khoảng cách từ TP.Hồ Chí Minh đến Mũi Né còn 2,5 giờ, thay vì 5 - 6 giờ như trước theo quốc lộ 1. Do đó, nhiều người lựa chọn đi du lịch Bình Thuận mà không đến Bà Rịa-Vũng Tàu trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua.
Theo thống kê của Sở Du lịch, dịp lễ 30/4-1/5 và giỗ Tổ Hùng Vương, tổng lượng khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu là 411.360 người, tăng hơn 20% so với năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 633 tỷ đồng. Công suất buồng phòng đạt 75-90%.
Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận cũng đón 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng gấp đôi so với năm 2022. Công suất phòng bình quân khoảng 70-90%, doanh thu du lịch khoảng 230 tỷ đồng. Lượng khách đến Bình Thuận đa số từ TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội…
Từ năm 2022 đến nay, để phục hồi và phát triển du lịch thích ứng với trạng thái bình thường mới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều nỗ lực trong việc thu hút khách du lịch như ký kết liên kết du lịch với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Tây Nguyên; chú trọng quảng bá và tung ra nhiều gói kích cầu; các địa phương tăng cường quản lý nhà nước bảo đảm an toàn cho khách du lịch; hỗ trợ bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch; liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch đường sông giữa bốn địa phương: Long An, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang...
Đặc biệt, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan và không gian sống hiện đại, văn minh cho người dân và du khách. Tỉnh có 1.481 cơ sở lưu trú du lịch và nhiều công trình dịch vụ đẳng cấp, thương hiệu nổi tiếng như: The Grand - Ho Tram strip, Six senses Côn Đảo, The Imperial, Pullman, Marina Bay resort. Địa phương còn tích cực phối hợp với các tỉnh thực hiện nhiều dự án giao thông lớn cũng như tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch.
Dù có nhiều cải thiện nhưng thực tế cho thấy việc thu hút khách đến tỉnh thời gian qua chưa được như kỳ vọng, nhất là giữ chân khách lưu trú dài ngày. Do vậy, trước sự cạnh tranh giữa các tỉnh về điểm đến, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cần xây dựng nét đặc trưng riêng, có dấu hiệu nhận diện rõ ràng để thu hút du khách. Phát triển một số sản phẩm mới, phù hợp nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch nội địa và quốc tế, phù hợp mục tiêu và tiềm năng của tỉnh. Tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh, thành với DN du lịch, du khách thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời tập trung phát triển những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí tại ven biển như: lướt ván, thuyền buồm, thả diều... để phục vụ du khách; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế; du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái tại các đảo.
TRIỆU VỸ