Có trách nhiệm để phát triển nghề cá bền vững

Chủ Nhật, 14/05/2023, 19:33 [GMT+7]
In bài này
.

Chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp; 100% tàu cá trên 15m không vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài, có lắp đặt và mở thiết bị giám sát hành trình 24/7, ghi nhật ký khai thác đầy đủ. Đồng thời, giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại cảng cá của tỉnh. 100% hồ sơ lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác…

Đây vừa là “cam kết”, nhưng cũng biến thành hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng, địa phương, DN trên địa bàn tỉnh, nhằm thể hiện quyết tâm gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản. Đặc biệt, nhằm chuẩn bị đáp ứng các nội dung theo khuyến nghị khi Ủy ban châu Âu EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 về tình hình chống khai thác IUU từ 24-31/5 tới đây. Kết quả của đợt kiểm tra lần này có ý nghĩa quyết định liệu Việt Nam có gỡ được "thẻ vàng" thủy sản hay không.

Ngoài những biện pháp mạnh tay của cơ quan chức năng trong việc kiên quyết không cho xuất bến đối với tàu cá không tuân thủ quy định, xử phạt tàu cá vi phạm, thì việc tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” cũng được triển khai thường xuyên. “Đến tận nhà, rà tận tàu” để vận động, giải thích cho ngư dân hiểu lợi ích đối với chính gia đình và đất nước về gỡ bỏ "thẻ vàng", hướng dẫn ngư dân và gia đình cùng ký cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Hay đó là buổi sớm cuối tuần cùng cà phê ăn sáng với ngư dân, những buổi gặp gỡ đối thoại giữa chính quyền - ngư dân, lắng nghe câu chuyện về hành trình đánh bắt, thậm chí cả ý kiến đề xuất, “hiến kế” để thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm của tỉnh.

Hơn 5 năm qua, khó có thể kể hết những thiệt hại khi Việt Nam phải chịu "thẻ vàng" của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Theo tính toán của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu gỡ được "thẻ vàng", ước tính Việt Nam sẽ thu về 1,2-1,4 tỷ USD xuất khẩu thủy sản sang EU. Trường hợp bị chuyển sang "thẻ đỏ", Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU, với khoản thiệt hại lên đến gần 500 triệu USD mỗi năm.

Chính vì vậy, gỡ "thẻ vàng" thủy sản ngay trong năm nay là quyết tâm của cả nước, không chỉ để đối phó với việc kiểm tra của EC, mà còn hướng tới mục tiêu phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm, đồng thời khẳng định vị thế của một đối tác tin cậy, uy tín trên thị trường quốc tế. Đồng thời, nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hơn ai hết, ngư dân phải thay đổi, có trách nhiệm trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải luôn đồng hành, có chính sách để giúp cho ngư dân yên tâm, khai thác nguồn lợi từ biển một cách hiệu quả và bền vững.

LAM GIANG

;
.