Quyết liệt gỡ thẻ vàng thủy sản

Thứ Năm, 06/10/2022, 21:00 [GMT+7]
In bài này
.

Vào cuối tháng 10 này, theo dự kiến, Phái đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam để khảo sát tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); cũng như kế hoạch đầu tư hạ tầng, tình hình nuôi trồng hải sản tại các tỉnh ven biển. Đây là cơ hội lớn để chúng ta ta gỡ thẻ vàng IUU.

Ngành thủy sản nước ta nhận thẻ vàng cảnh báo từ EC vào ngày 23/10/2017, do bị cho là còn để xảy ra tình trạng ngư dân khai thác hải sản trái phép. Kể từ đó, 5 năm qua, ngành thủy sản của 28 tỉnh ven biển đã phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ tấm thẻ vàng này. Trong thời gian bị áp thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU) đều bị giữ lại ở các cảng đến để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này, khiến cho các doanh nghiệp không chỉ mất thêm thời gian thông quan (có khi phải 3-4 tuần/ container), mà còn tốn thêm chi phí phát sinh mới, riêng phí kiểm tra nguồn gốc khai thác hải sản là khoảng 500 bảng Anh/container. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải chịu phí lưu giữ hàng tại cảng; phải chịu tổn thất lớn khi hàng hóa hải sản bị trả lại.

Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện, cho thấy, tác động từ thẻ vàng IUU đối với thủy sản nước ta là rất lớn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường các nước thuộc EU giảm từ 10-12%/năm và kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới các ngành kinh tế khác.

Để giảm thiểu những rủi ro từ những tác động tiêu cực của IUU, nước ta đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đáp ứng những khuyến nghị của EC, chú trọng hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm phát triển nghề cá bền vững. Đồng thời, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá kết nối từ Trung ương tới địa phương; gắn với việc nỗ lực ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Đến tháng 9/2022, nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá địa phương bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, đặc biệt có tỉnh Phú Yên, từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã có nhiều tiến bộ, đạt 95,27%. Các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Ninh Bình, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Cần Thơ đã có tỷ lệ lắp đặt VMS đạt 100%.

Mặc dù vậy, tình trạng tàu cá nước ta vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của của các cấp chính quyền, của các ngành chức năng, như: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đáng lưu ý, tỷ lệ xử lý các vụ việc vi phạm còn thấp và chưa đồng đều giữa các địa phương; nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ không duy trì hoặc ngắt kết nối VMS, sử dụng ngư cụ khai thác bị cấm…

“Nếu Việt Nam không ngăn chặn, không chấm dứt được tình trạng khai thác hải sản IUU thì sẽ không gỡ cảnh báo thẻ vàng” - là lời cảnh báo gần đây của EC đối với ngành thủy sản nước ta.

Do đó, từ nay cho tới khi Phái đoàn EC đến nước ta khảo sát về tình hình thực hiện các khuyến nghị IUU, là khoảng thời gian cấp thiết để các địa phương dồn sức thực hiện các giải pháp, hiệu quả và quyết liệt hơn trong việc gỡ thẻ vàng cảnh báo IUU. Như lời Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, việc gỡ thẻ vàng và tuyệt đối không để EC rút thẻ đỏ cảnh báo IUU, là nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng thủy sản phải được tiến hành một cách đồng bộ, có hiệu quả của các cấp chính quyền, của các ngành chức năng tại 28 tỉnh, thành phố ven biển. Cụ thể, cần chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU. Kịp thời triển khai thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/9/2022. Trên cơ sở thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin truyền thông; hoàn thiện cơ chế, chính sách; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; kiện toàn bộ máy tổ chức; bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại các cảng cá; hỗ trợ chuyển đổi nghề và sinh kế của cộng đồng ngư dân…

HOÀNG LÊ

 
;
.