Để chấm dứt ''điệp khúc buồn''

Chủ Nhật, 30/10/2022, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là chìa khóa mở ra triển vọng tăng trưởng nông sản, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không ngoại lệ.

Cho đến nay, các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại và bà con nông dân trong tỉnh đã thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, vật nuôi, gồm hồ liêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả, cây dược liệu với tổng diện tích 16.340ha. Các nông hộ tham gia mô hình được cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nên an tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Điều này tạo niềm tin, sự hứng khởi lôi cuốn sự tham gia của các hộ nông dân.

Cùng với việc hình thành 7 vùng nông nghiệp sản xuất công nghệ cao, các sở, ngành, địa phương đã tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nông sản chủ lực, thực hiện cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh. Những nỗ lực này đã giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu.

Thế nhưng, các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút sự tham gia của các nhân tố trong chuỗi giá trị, nhất là từ phía nông dân. Nguyên nhân do đâu? Câu trả lời nằm trong nhận định của ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ, lẻ, phân tán, không tập trung, sản phẩm không thường xuyên”.

Tại hội nghị kết nối sản xuất, chế biến với tiêu thụ nông sản do Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội Làm vườn Việt Nam, Hội Rau quả Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, nhiều HTX, nông hộ “than” giá cả các loại cây ăn quả bấp bênh, thị trường tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu không ổn định, không quên đề nghị chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp có biện pháp hỗ trợ người dân bảo đảm đầu ra, ổn định giá cả nông sản.

Những năm qua, diện tích cây ăn trái ở Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục phát triển “nóng”. Nông dân huyện Châu Đức và TX. Phú Mỹ đã chuyển đổi gần hết diện tích trồng tiêu và trồng điều sang trồng các loại cây bơ, mít và sầu riêng. Điều đáng nói là, diện tích cây ăn quả của tỉnh tăng mạnh, nhưng giá cả các loại cây này lại thấp, áp lực cạnh tranh tiêu thụ ngày càng gay gắt. Thực tế cho thấy, người nông dân hoàn toàn thụ động trong việc sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Điệp khúc luẩn quẩn “trồng - chặt” cứ tái diễn theo nhận thức và suy nghĩ chủ quan của nông dân, rằng “nếu không mạnh dạn chặt bỏ, biết bao giờ mới giàu lên được”. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương gần như không thể làm gì trước hiện tượng “chặt - trồng” đó ngoài những lời khuyến cáo không nên chạy theo giá thị trường khi chưa nắm rõ đầu ra. “Chẳng bài học nào giống bài học nào, khi nhận ra thì sự đã rồi và muốn khắc phục hậu quả cũng không đơn giản. Tình trạng mạnh ai nấy trồng theo phong trào cần phải chấm dứt trong suy nghĩ của mỗi người”. Một nông dân ở huyện Châu Đức chia sẻ về điệp khúc “trồng - chặt” đã để lại những bài học đắt giá như thế nào đối với bản thân ông.

Dự báo thị trường được coi là chìa khóa mở cánh cửa đầu ra cho nông sản, giúp các HTX, nông dân hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”. Chính vì thiếu thông tin thị trường mà thời gian qua, nhiều hộ dân, HTX đã chạy theo phong trào “chặt - trồng” một cách cảm tính, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Vẫn biết nông dân là chủ thể sản xuất, họ sẽ quyết định trồng cây gì, nuôi con nào trong mỗi mùa vụ để tăng thêm sản lượng. Nhưng nếu cơ quan khuyến nông có những thông tin dự báo thị trường nhanh nhạy, kịp thời, định hướng đến bà con nông dân, HTX các giải pháp sản xuất phù hợp, nhất định họ thay đổi nhận thức, vui vẻ làm theo.

Có sự định hướng kịp thời, dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, khuyến cáo người dân tuân thủ quy hoạch và đặc biệt bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, điệp khúc “chặt - trồng, trồng - chặt”, “được mùa mất giá” sẽ không còn lặp đi lặp lại, người nông dân có thể yên tâm làm giàu trên mảnh đất của mình.

TRƯƠNG TÙNG

 

;
.