Khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, sức ép về giá cả, lạm phát đã đè nặng lên nền kinh tế và đời sống nhân dân. Thời gian qua, cũng có ý kiến cho rằng, mức giá xăng dầu ở Việt Nam chỉ mới ở mức trung bình so với thế giới. Họ dẫn chứng về mức giá xăng dầu ở Singapore. Giá xăng tại quốc gia này thậm chí còn vượt ngưỡng 55.000 đồng/lít.
Nhưng đó là bài toán kinh tế đơn giản ai cũng nhận ra: thu nhập bình quân đầu người của người dân Đảo quốc Sư tử tương ứng với mặt bằng giá cả ở đất nước họ. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Singapore lên tới hơn 66.000 USD/năm, gấp gần 18 lần so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam (3.743 USD).
Với những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sức ép giá cả lên cuộc sống giữa người giàu và người nghèo là rất khác nhau. Một món đồ uống cao cấp, một chai rượu xịn xò, người khá giả có thể phải mua như một nhu cầu, nhưng người nghèo lại không cần đến. Xăng thì khác. Nhu cầu về xăng dầu của mỗi một người có thể khác nhau, nhưng hầu hết cư dân ai cũng cần đến. Cuộc sống của tất cả chúng ta phụ thuộc vào nó.
Nhưng đối với một người có mức thu nhập nhiều triệu đồng mỗi ngày, thì chuyện xăng tăng đến 33 ngàn đồng, hoặc thậm chí gấp nhiều lần như thế, họ cũng chẳng bận tâm. Ngược lại, một người với mức thu nhập chưa đến vài trăm ngàn mỗi ngày, thì từng trăm đồng khi xăng tăng giá cũng chứa đựng bao nỗi lo toan.
Không phải ngẫu nhiên, trong các phiên tiếp xúc cử tri gần đây, người dân ở mọi nơi ở BR-VT đều lên tiếng đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm có những hành động để kiểm soát mức tăng của giá xăng dầu. Điều đó cho thấy tâm lý lo ngại giá xăng ảnh hưởng đến cuộc sống đã và đang thường trực trong cuộc sống người dân.
Trên thực tế, việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua cũng đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng và có những điều chỉnh. Vấn đề được tính toán nhiều nhất là việc cắt giảm các khoản thuế liên quan đến xăng dầu.
Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế: gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường.
Chính phủ đã quyết tâm “hạ nhiệt” giá xăng. Ngay trong ngày 4/7, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Theo đó, nếu được Quốc hội phê chuẩn, thuế môi trường áp dụng cho giá xăng sẽ giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Việc giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu đương nhiên sẽ góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và ổn định lạm phát. Nhưng đi kèm với việc giảm thuế là nỗi lo làm mất cân đối ngân sách. Mà mất cân đối ngân sách, thì không khác gì bù chỗ này lại hổng chỗ kia, kéo theo bất ổn kinh tế vĩ mô.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vào 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định mục tiêu trong các tháng cuối năm 2022 là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong bối cảnh kinh tế cả nước khởi sắc, khi tăng trưởng GDP đạt 7,72%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Đó là thành quả đáng tự hào khi nước ta vừa thoát khỏi gian đoạn khó khăn về dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các ngành liên quan nghiên cứu một cách thận trọng và kỹ lưỡng về việc hỗ trợ giá xăng cho một số đối tượng. Đây thực sự là thông tin đáng được chờ đợi với những người đang chịu áp lực kinh khủng từ giá xăng dầu.
Thực tế, những khoản hỗ trợ cấp bách và cần thiết, cùng với chính sách điều hành linh hoạt hiệu quả từ phía Nhà nước là bài học giúp đất nước bước qua rất nhiều những biến động dữ dội trong thời gian qua.
THU THẢO