Đẹp nghĩa tri ân

Thứ Ba, 26/07/2022, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây 75 năm, để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người bị thương tật vì đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị các ban, ngành, đoàn thể Trung ương đang họp ở Đại Từ, Thái Nguyên lấy ngày 27/7/1947 làm "Ngày Thương binh toàn quốc". Và đến năm 1955, "Ngày Thương binh toàn quốc" được đổi tên thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ".

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Người đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa cao cả của ngày 27/7, Người nói: Bởi vì đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.

Sự quan tâm đặc biệt đó của Bác đối với thương, bệnh binh đã được toàn Đảng, nhà nước và nhân dân ta hưởng ứng, lan tỏa qua các năm, tiếp nối qua các thế hệ, trở thành truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền quê.

Tại BR-VT, theo thông lệ hàng năm, tối 26/7, các đền thờ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh rực sáng bởi những ngọn nến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh qua các cuộc kháng chiến vì hòa bình, độc lập, tự do của ngày hôm nay. Dâng hương tưởng nhớ, thắp nến tri ân đã trở thành nét đẹp riêng có của BR-VT. Cùng với đó là những hoạt động chăm lo, quan tâm, thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh và người có công của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh xuyên suốt những ngày tháng 7 - Tháng tri ân!

Cùng với cả nước, BR-VT đã nỗ lực chăm lo tốt nhất cho người có công, gia đình chính sách và là một trong những địa phương dẫn đầu khi bảo đảm cuộc sống cho người có công, gia đình chính sách. Điển hình như chính sách hỗ trợ sửa chữa nhà ở; thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp dịp lễ, Tết; tổ chức cho đối tượng chính sách đi tham quan, điều dưỡng; trợ cấp cho thương bệnh binh nặng; trợ cấp khó khăn cho đối tượng chính sách với kinh phí gần 50 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều hộ người có công với cách mạng được duyệt vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, nhiều người làm ăn có hiệu quả, trở thành hộ khá giàu. BR-VT cũng đã lan tỏa sự quan tâm, chia sẻ và tri ân để cả cộng đồng cùng chung tay chăm lo cho người có công, gia đình chính sách. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời; được quan tâm, chăm sóc từ các em thiếu nhi, đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, các hội, đoàn thể…

Ấm lòng khi tháng 7 về là cảm nhận của các gia đình có công với cách mạng, thương bệnh binh… Những giọt nước mắt vẫn tuôn rơi, nhưng là sự cảm kích, hạnh phúc vì được đền đáp bởi các thế hệ. Những ngọn nến tri ân sẽ còn sáng mãi ở các đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ.

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” sẽ còn trường tồn, hôm nay và mai sau.

HẠ VY

;
.