Nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách

Thứ Tư, 20/04/2022, 18:41 [GMT+7]
In bài này
.

Bill Gates - một trong những người giàu nhất thế giới đã có lần chia sẻ rằng ông đọc 50 cuốn sách mỗi năm. Thậm chí ông còn duy trì thói quen luôn đọc sách một tiếng trước khi đi ngủ bất chấp công việc bận ra sao.

Ông chủ của tập đoàn Berkshire Hathaway đã đọc 600-1.000 trang sách mỗi ngày trong khoảng thời gian bắt đầu sự nghiệp. Đến nay, Warren Buffett vẫn giữ thói quen dành hơn 80% thời gian bên cạnh những quyển sách với châm ngôn: “Không cần biết bạn đang ở vị trí nào của cuộc đời, chỉ cần không ngừng học hỏi, sự thành công sẽ tìm đến bạn”.

Trong khi đó, là một nhà tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng, David Rubenstein luôn mong muốn mỗi ngày học hỏi được nhiều điều mới lạ và bổ ích hơn. Chính vì thế mà ông đã không ngần ngại đọc 8 tờ báo giấy mỗi ngày và 6 quyển sách cho mỗi tuần.

Kể tên 3 tỷ phú hàng đầu thế giới để thấy dù họ bận rộn cỡ nào vẫn dành thời gian cho việc đọc sách. Trong khi đó, chúng ta luôn lấy lý do bận rộn, không có thời gian... để biện hộ cho sự “lười” đọc sách của mình. Thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam, trừ sách giáo khoa, mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 1,4 cuốn sách/năm - một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trên thế giới.

Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây.

Điều đáng mừng là kể từ khi Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hàng năm, các hoạt động nhằm tôn vinh sách và đưa văn hóa đọc đã lan tỏa mạnh mẽ, thắp lên ngọn lửa tri thức trong cộng đồng. Tại BR-VT, các hoạt động nhằm lan tỏa tình yêu sách, kết nối tri thức như: Tặng sách cho các tủ sách khu dân cư; Ngày hội đọc sách; cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; cuộc thi “Quyển sách tôi yêu”… thường xuyên được tổ chức đã thu hút đông đảo HS và người dân tham gia.

Tuy nhiên, để lan tỏa tình yêu sách, niềm đam mê đọc sách chắc chắn không chỉ qua các hoạt động từ Ngày Sách và Văn hóa đọc mà ngay từ mỗi gia đình, nhà trường cần tạo thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ em từ khi còn nhỏ. Đặc biệt là phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện, những không gian đọc cộng đồng để có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo nhà văn lại càng phải đọc”. Như vậy, đọc sách không chỉ nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục mà còn rèn luyện nhân cách, giúp cho tâm hồn luôn hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.

NGÔ GIA

 
;
.