Theo số liệu điều tra sơ bộ mới đây tại 48 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước cho thấy, có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2ha. Trong đó, có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất, nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng, hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích đất là 60.332,1ha.
Thực tế cho thấy, hầu như địa phương nào cũng đều ghi nhận có nhiều và rất nhiều dự án “treo” tồn tại đã quá lâu. Thậm chí, có nhiều dự án chậm triển khai hoặc quá thời hạn quy định vẫn được gia hạn, không chỉ một lần mà rất nhiều lần, gây nhiều phiền hà trong công tác quy hoạch.
Hệ lụy của các dự án “treo” đã và đang tạo ra những tác động đa chiều tới đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương. Trước hết, hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất rất kém, gần như bằng 0 - nghĩa là không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế. Các dự án “treo” trên diện rộng làm thui chột môi trường đầu tư tại nhiều địa phương, trong khi nhiều nhà đầu tư có tiềm năng không với tay tới đất được, thì những nhà đầu tư thiếu năng lực lại tìm mọi cách xí phần rồi để đất hoang hóa.
Khi môi trường đầu tư kém thì môi trường kinh doanh cũng thiếu hiệu quả. Dẫn tới thu hút đầu tư yếu dần và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI ngày càng đi xuống. Đặc biệt, những người dân sống trong vùng quy hoạch “treo” phải chịu cảnh “đi không nỡ, ở không xong” - muốn sửa chữa nhà bị xuống cấp cũng khó, muốn bán lại càng không có khách ngó ngàng. Ai đã từng ở trong khu quy hoạch “treo” thì mới thấy khổ trăm bề; có nhiều dự án “treo” từ đời ông đến đời cha… nhưng cũng chưa biết đến khi nào hết… “treo”. Ở mức cao hơn, đất thu hồi tại các dự án “treo” quá lâu luôn bị người dân khiếu nại đòi lại đất cũ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai thực hiện trong nhiều năm, có nhiều nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo của các cấp, các ngành; thiếu sự kiểm soát và xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng trong thu hồi đất; thiếu thể chế quản lý tiến độ thực hiện của các dự án, công trình.
Mặt khác, các quy định pháp luật ở nước ta vẫn còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Theo Luật Đất đai 2003, các dự án “treo” sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Luật Đất đai 2013 thì rẽ sang giải pháp khác: Dự án “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn bị “treo” thì Nhà nước thu hồi đất và tịch thu toàn bộ tài sản đã đầu tư trên đất của dự án. Trong khi đó, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút giấy phép đã được cấp.
Bên cạnh đó, nhiều dự án chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; có dự án, chủ đầu tư đã sẵn sàng nguồn tài chính, thì mặt bằng chưa có “đất sạch”. Đồng thời, nhiều dự án bị “treo” là do các chủ đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách đề xuất dự án đầu tư để được địa phương giao đất hoặc cho thuê đất, rồi giữ dự án chờ đất tăng giá để chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, hưởng lợi giá trị đất đai tăng thêm (địa tô chênh lệch không do người sử dụng đất tạo ra). Thậm chí, có những dự án, chính quyền địa phương không thể liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Hạ” và thu hồi các dự án “treo” tồn tại quá lâu là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện. Điều quan trọng là các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần phải thật sự cương quyết, có các biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp thu hồi, giao cho doanh nghiệp khác có đủ năng lực tài chính triển khai thực hiện dự án, để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đưa ra giải pháp xử lý đối với các dự án “treo”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với dự án “treo” cũng lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả. Ngân sách địa phương thu được thêm, còn nhà đầu tư có dự án “treo” tự “xót tiền” mà chủ động chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.
HOÀNG LÊ