“Em có hay đọc sách không?” - Con gái tôi đã hơi khựng lại khi được hỏi như vậy trong buổi phỏng vấn tuyển dụng. Một câu hỏi thú vị nhưng có vẻ như chẳng mấy liên quan đối với vị trí việc làm trong lĩnh vực kinh tế. Vị lãnh đạo công ty còn khá trẻ đang ngồi ở vị trí nhà tuyển dụng đã giải thích rằng, với những người thích đọc sách, có thói quen đọc sách sẽ dễ để đào tạo hơn, có “chất” hơn. Bởi, sách mang đến cho chúng ta những kiến thức, trí tuệ, những giá trị tâm hồn, từ đó rèn giũa sự thông minh và phát huy tính sáng tạo.
Tôi như được quay trở về quá khứ, lúc ấy tôi cũng vừa ra trường, rụt rè đến với cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Thời điểm ấy, sau câu hỏi có thích sách không, tôi còn được tặng những cuốn sách đã ố màu thời gian về nghiệp vụ cho những người mới bắt đầu...
Vâng, có lẽ sách đã như một người thầy lặng lẽ khi mở ra cho tôi một thế giới khác mà trước đó tôi chưa từng được biết đến. Và tôi luôn biết ơn vị thủ trưởng già, đã khơi gợi cho tôi về cách học từ những trang sách. Và cũng “bật” lên cho tôi “công tắc” thói quen đọc sách để về sau này tôi thiết lập cho các con của mình tình yêu sách ngay từ khi còn bé thơ.
Tất nhiên rằng, để tạo thói quen đọc sách không phải là quá dễ khi mà người lớn còn phải mải mê với “cơm áo, gạo tiền”, còn trẻ em thì dễ bị hấp dẫn bởi vô số các trò chơi, giải trí khác. Nhưng, không phải là quá khó khi có sự nỗ lực từ mỗi cá nhân và sự vào cuộc lan tỏa tình yêu sách, tạo dựng văn hóa đọc ở cộng đồng.
Từ năm 2014, Chính phú đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ra đời khẳng định, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Trong những ngày này, cùng với cả nước, tại BR-VT cũng đang diễn ra chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (kéo dài từ ngày đến 27/4).
Và có lẽ ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh những không gian sách được trang trí bắt mắt, những thư viện lưu động trên các xe đầy ắp những sách là sách “đổ bộ” đến các trường học, trung tâm văn hóa ở các khu dân cư để mọi người, nhất là trẻ em được tiếp cận sách và đọc sách. Ở thành phố biển Vũng Tàu có những không gian xanh mát của sách, với đường sách ngay khu công viên Bãi Trước đầy thơ mộng với các em nhỏ cùng ba mẹ, ông bà say sưa, đắm chìm trong những trang sách. Đó là những chuyển biến thấy rõ nhất sau quá trình gầy dựng văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng.
“Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” - như lời Cao Bá Quát xưa từng nói - vì vậy mỗi người chúng ta hãy nuôi dưỡng thói quen đọc sách và lan tỏa để tình yêu với sách mãi trường tồn.
HẠ VY