.

Để học sinh yêu và chọn môn Lịch sử

Cập nhật: 18:02, 19/04/2022 (GMT+7)

Từ năm học 2022-2023, HS lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học chương trình phổ thông mới. Theo đó, có 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương. 3 nhóm môn học để chọn 5 môn gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Đây là điểm mới, áp dụng cho HS lớp 10 năm học 2022-2023. Trước khi Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về việc đưa bộ môn Lịch sử vào nhóm môn tự chọn. Thầy giáo cũ của tôi, một giáo viên dạy Lịch sử - người đã thắp lên ngọn lửa yêu thích môn này trong chúng tôi ngày ấy đã không tránh khỏi sự luyến tiếc và lo lắng khi nhận thông tin này. Bởi cũng như nhiều người khác, thầy rất lo ngại HS sẽ “quay lưng” với môn Lịch sử nếu được lựa chọn môn học yêu thích.

Lo ngại của thầy hẳn là có cơ sở khi trên thực tế thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, số thí sinh lựa chọn môn Lịch sử để xét tuyển đại học chỉ chiếm khoảng 10% tổng số thí sinh. Phổ điểm của môn học này vài năm trở lại đây luôn "đội sổ". Năm 2021, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm 52% trong tổng số hơn 63.000 thí sinh chọn Lịch sử để thi tốt nghiệp.

Lịch sử là một trong những bộ môn có vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ về kiến thức, văn hóa, tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức và phong cách lối sống. Tuy nhiên, việc dạy và học môn Lịch sử lâu nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được kết quả cao. Ở nhiều nơi, giáo viên vẫn chủ yếu dạy học bằng phương pháp truyền thống “thầy cô đọc - trò chép”, chưa phát huy được tính tích cực, chưa gây hứng thú cho HS. Vẫn còn tình trạng chỉ coi môn Lịch sử là môn phụ, chưa thực sự chú ý, quan tâm nhiều đến môn này.

Vậy làm thế nào để môn Lịch sử vẫn có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống giáo dục? Đây không chỉ là sự trăn trở của giáo viên dạy Lịch sử, mà còn là sự quan tâm của toàn xã hội. Nhớ lại thời mới bước vào lớp 10 của bậc THPT, tôi vẫn còn khá thờ ơ với môn Lịch sử. Thờ ơ là bởi vì tôi rất khó nhớ về con số, ngày tháng của sự kiện với những bài học khô khan, kiểu như phổ biến nội dung sự kiện xong và cuối mỗi bài đều phải học thuộc ý nghĩa lịch sử.

Nhưng từ khi thầy giáo (như tôi đã kể trên) chuyển từ trường khác về, tiết học Lịch sử trở nên sôi động hẳn. Vì sao như vậy? Đó là bởi thầy đã thổi một luồng gió mới trong cách tiếp cận môn Lịch sử vốn dĩ khô khan. Những con số, ngày tháng trở nên sống động hơn. Chúng tôi được bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề, sự kiện lịch sử qua khả năng tiếp nhận của bản thân. Đó là cách thông qua những tiết Lịch sử, thầy đã thổi bùng lên lòng tự hào dân tộc, biến những tiết học Lịch sử không chỉ là quá khứ với những số liệu khô khan, mà còn mang cả hơi thở cuộc sống đương đại, kết nối dòng chảy lịch sử với dòng chảy thời sự đương đại. Điểm tổng kết môn Lịch sử của tôi từ 7,1 học kỳ I đã bứt phá lên 9,3 vào học kỳ II.

Kể câu chuyện trên để thấy rằng, HS chưa bao giờ “quay lưng” với môn Lịch sử. Mà suy cho cùng là phải thay đổi trong cách dạy học, cách tiếp cận, biên soạn tài liệu, đổi mới phương pháp, kỹ năng, chứ không phải đưa môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn để HS nào thích và có khả năng thì mới đăng ký học. Và cũng không cần phải tranh cãi về việc môn Lịch sử là môn tự chọn hay bắt buộc. Điều cần làm hiện nay là làm thế nào để HS yêu thích môn Lịch sử, gắn bó với môn học này.

NGÔ GIA

.
.
.