Quyền của "thượng đế"

Thứ Sáu, 04/03/2022, 19:22 [GMT+7]
In bài này
.

Những ồn ào xung quanh việc ngân hàng và nhà mạng đồng loạt tăng phí thông báo biến động qua tin nhắn (SMS Banking) lên gấp 2-7 lần đã tạm lắng khi ngân hàng và nhà mạng ngồi lại với nhau và thống nhất sẽ áp dụng theo mức phí cũ.

Trước đó, nhiều khách hàng bày tỏ bức xúc khi ngân hàng điều chỉnh tăng phí SMS Banking lên từ 11.000-77.000 đồng/tháng, tùy theo số lượng tin nhắn. Mức phí này được áp dụng từ tháng 1/2022, dù các ngân hàng đã có thông báo trước qua tin nhắn nhưng khi bị trừ cước, nhiều khách hàng không khỏi giật mình, bức xúc.

Hiện nay, cả nước có đến vài chục triệu người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Trong đó, nhiều người mở tài khoản ở nhiều ngân hàng cùng lúc. Với việc nhà mạng tăng phí SMS Banking, người sở hữu nhiều tài khoản sẽ bị tăng chi phí lên hàng trăm ngàn đồng/tháng. Các chuyên gia dự tính, với mức tăng phí dịch vụ này, nhà mạng thu về hàng ngàn tỷ đồng từ SMS Banking mỗi năm. Trên thực tế, cước phí SMS Banking đã cao gấp 2-3 lần so với tin nhắn thông thường. Hơn nữa, trước khi tăng phí, nhiều tài khoản chỉ nhận 3-4 tin nhắn/tháng nhưng vẫn phải trả cước phí cố định 11.000 đồng, cũng đã là thiệt thòi.

Sau khi các ngân hàng tăng phí SMS Banking, hàng loạt khách hàng hủy dịch vụ này, chuyển qua đăng ký thông báo biến động miễn phí qua thư điện tử (email) hoặc qua ứng dụng (app) của ngân hàng. Với sự phổ biến của mạng wifi và độ bao phủ sóng 3G, 4G hiện nay, các hình thức nhận thông báo này rất thuận lợi và là sự lựa chọn hợp lý.

Trước tình trạng người dùng tẩy chay dịch vụ SMS Banking ngày càng gia tăng, các nhà mạng đã họp bàn với các ngân hàng thương mại về giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng và đi đến thống nhất phương án thu trọn gói một mức cố định 11.000 đồng/tháng gồm thuế giá trị gia tăng và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Động thái này nhằm mục đích giữ chân khách hàng của các nhà mạng, trong khi thực tế các ngân hàng cũng không mặn mà, bởi lẽ họ không được hưởng lợi từ dịch vụ này. Đồng thời, ngân hàng đã có các phương thức khác để thông báo biến động tài khoản cho khách hàng thông qua app và email.

Nhưng việc tăng phí SMS Banking chỉ là một trong nhiều chiêu hút tiền khách hàng của các nhà mạng.

Lâu nay, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông luôn dùng lời hoa mỹ, gọi khách hàng là “thượng đế” và cam kết mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng. Thực tế không phải vậy. Họ luôn tìm mọi cách để “móc túi” khách hàng. Đó là những tin nhắn mời sử dụng dịch vụ gia tăng được cài khéo léo với cú pháp trả lời “có-không” khi khách hàng kiểm tra tài khoản hoặc thông qua những tin nhắn chào mời dịch vụ gia tăng. Nếu không chú ý, khách hàng sẽ rất dễ bị “sập bẫy” bấm vào nút đăng ký tự động. Chỉ đến khi phát hiện số tiền trong tài khoản bị trừ cho một dịch vụ nào đó, khách hàng tìm hiểu thì mới biết là dịch vụ đã được đăng ký và gia hạn tự động hàng ngày. Nhiều khách hàng tặc lưỡi bỏ qua chuyện này vì nghĩ rằng số tiền nhỏ, nhưng với hàng chục triệu khách hàng như vậy, nguồn lợi nhà mạng thu về không phải ít.

Phản ứng mạnh mẽ của khách hàng đối với việc tăng phí SMS Banking đã mang lại tác dụng khi buộc nhà mạng phải thay đổi, tính toán thiệt hơn và lợi ích dài lâu. Với sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay, cùng với quy định được chuyển mạng giữ nguyên số, người tiêu dùng có quyền lựa chọn dịch vụ tối ưu nhất như đã từng làm với dịch vụ đăng ký tin nhắn biến động tài khoản.

Khi “thượng đế” nổi giận, các nhà cung cấp dịch vụ hãy coi chừng. Họ có thể sẽ mất hàng triệu khách hàng trong chớp mắt!

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.