Nguy cơ "ô nhiễm trắng"

Thứ Năm, 03/03/2022, 16:35 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi đã dừng việc mua đồ ăn sáng bằng túi nilon khi phát hiện ra có tới 9 chiếc túi để chứa 3 phần bún bò cho 3 người trong gia đình. 3 chiếc đựng 3 phần bún, 3 chiếc đựng 3 phần nước lèo, 1 chiếc chứa rau, 1 chiếc đựng chanh, ớt và 1 chiếc chứa tất cả các thứ trên để xách từ tiệm bún về nhà. Đó là chưa kể có rất nhiều chiếc túi nilon khác khi đi chợ mỗi ngày. Và gần như mọi thứ được mua sắm trong ngày đều sử dụng túi nilon. Giỏ rác nhà tôi do đó cũng chất đầy túi nilon các loại. Như nhiều gia đình khác, tất cả đều được vứt ra cùng với rác thải sinh hoạt.

Cho đến một lần xem phim về rác thải nhựa, nhìn những bãi biển ngập ngụa túi nilon, nhiều sinh vật đã bị hủy hoại do ô nhiễm, mới giật mình hóa ra lâu nay bản thân tôi cũng đã góp phần tạo ra sự ô nhiễm đó. Dù chưa thật triệt để, nhưng sau đó tôi đã giảm thiểu việc sử dụng túi nilon bằng việc đi chợ xách làn theo, dùng túi vải để đi mua sắm và xách hộp đựng thức ăn nếu phải ra ngoài mua đồ ăn sáng.

Theo thông tin từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố đầu năm nay, trái đất đang phải hứng chịu lượng rác thải nhựa rất lớn, mỗi năm con người phát thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, có thể tính tương đương với trọng lượng của tất cả mọi người trên trái đất, nhưng chỉ có 9% được tái chế. UNDP cũng thống kê, con người tiêu thụ hơn 5.000 tỷ túi nilon mỗi năm, tương đương hơn 160.000 túi mỗi giây. Số túi nilon tiêu thụ trong 1 giờ có thể quấn 7 vòng quanh trái đất nếu được đặt cạnh nhau. Bên cạnh đó, cứ mỗi phút trôi qua, toàn cầu tiêu thụ 1 triệu chai nước nhựa.

Báo cáo của Tổ chức Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu riêng về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa đạng sinh học và sinh thái biển cho biết, mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương. Trong số 555 loài cá được kiểm tra, có tới 386 loài đã ăn phải rác thải nhựa.

Tại Việt Nam, con số 1,8 triệu tấn nhựa được thải ra mỗi năm trong khi chỉ có 27% trong đó được tái chế (theo số liệu của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc) khiến nước ta trở thành quốc gia bị gọi tên trong danh sách những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới… Việt Nam còn là 1 trong 5 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất thế giới, lên đến 0,73 triệu tấn mỗi năm. Nếu như không có hành động cụ thể, thiết thực nào để ngăn chặn tình trạng này, đến năm 2050, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn sinh vật biển.

Rõ ràng nguy cơ ô nhiễm từ túi nilon và rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất của nhân loại ngày nay. Thật khó để thờ ơ với những hậu quả do rác thải nhựa gây ra cho môi trường, sức khỏe hay cuộc sống của con người. Do đó, ngoài thay đổi thói quen sử dụng tui nilon và đồ nhựa một lần, mỗi người dân chúng ta cần lan tỏa, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hành vi tiêu dùng nhựa thông minh và bền vững, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa hiệu quả. Thay vì kết thúc vòng đời của các chai nhựa, hay những túi nilon… tại các bãi rác thì hãy để chính rác thải có cơ hội đóng góp cho cuộc sống thêm xanh.

NGÔ GIA

;
.