Để F0 yên tâm điều trị tại nhà

Chủ Nhật, 06/03/2022, 16:43 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo quan trọng về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không để xảy ra khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt cắt giảm ngay các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua thuốc điều trị COVID-19.

Những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là kịp thời và cần thiết khi số ca mắc COVID-19 trong cả nước liên tục lập những kỷ lục mới, nhu cầu khám, điều trị bệnh theo đó cũng tăng cao.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, số F0 thể nhẹ, không triệu chứng trong cả nước chiếm 96% bệnh nhân COVID-19, phần lớn trong số này được điều trị tại nhà. Điều đáng lo ngại là nhiều người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng đã tiêm đủ liều vắc xin, triệu chứng bệnh nhẹ nên đã bỏ qua việc khai báo y tế (KBYT). Các chuyên gia y tế nhận định, những suy nghĩ “chết người” này có thể dẫn đến kẽ hở mở đường cho dịch COVID-19 với chủng Omicron đang chiếm ưu thế bùng phát mạnh hơn. Quả thật, chỉ cần một bộ phận F0 trong hàng ngàn ca mắc âm thầm điều trị, không KBYT, công tác kiểm soát và dập dịch cũng sẽ rất khó khăn, ngành y tế sẽ không kịp thời ứng phó khi xuất hiện những ổ dịch mới.

Khó tiếp cận cơ sở y tế để báo ca mắc, xin giấy xác nhận F0 hoặc xin tư vấn, cấp thuốc… Đó là những nguyên nhân khiến nhiều F0 không mặn mòi với KBYT, tự ý mua kit xét nghiệm, thuốc Molnupiravir để tự điều trị COVID-19 theo những cách riêng. Hình ảnh người dân xếp hàng “rồng rắn” chờ xét nghiệm nhanh để xác nhận mắc hoặc khỏi COVID-19 diễn ra ở nhiều trạm y tế cho thấy sự quá tải của hệ thống y tế cơ sở, mặt khác cũng phản ánh sự bất cập của các biện pháp khai báo, xác nhận “thủ công” mất thời gian, công sức, khiến người dân bức xúc. Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan chức năng có sự điều chỉnh hợp lý trong cách phòng, chống dịch, trong đó có việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, củng cố và phát huy tối đa năng lực của tổ hỗ trợ chăm sóc, theo dõi F0 tại nhà, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế bằng nhiều hình thức. Người dân mong đợi cơ quan chức năng sớm triển khai các giải pháp công nghệ, để kịp thời tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị hiệu quả tại nhà, cũng như đơn giản hóa thủ tục xác nhận hết cách ly cho người bệnh.

Tăng cường quản lý F0 tại nhà cũng đồng nghĩa với việc quản lý chặt rác thải sinh hoạt của F0 và gia đình, xử lý tốt môi trường nơi họ sinh sống. Rác thải sinh hoạt của F0 được xem là rác thải nguy hại, cần được xử lý nghiêm ngặt nhằm bảo đảm ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Trên thực tế, rác thải sinh hoạt từ các gia đình có F0 điều trị tại nhà ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ yếu vẫn đang được thu gom trộn lẫn như rác thải thông thường. Cùng với việc kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải của F0 điều trị tại nhà, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, giúp F0 và gia đình nâng cao ý thức tự giác tuân thủ các quy định về việc phân loại và khử khuẩn rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Những ngày gần đây, nhiều F0 đến nhà thuốc tìm mua Molnupiravir nhưng phải về tay không bởi theo quy định, việc mua và sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir phải có đơn của bác sĩ, giấy xác nhận dương tính của y tế địa phương. Molnupiravir là loại thuốc đặc biệt. Việc thăm khám kê đơn của bác sĩ về nguyên tắc là đúng, nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc hoặc tùy tiện dùng thuốc sai. Nhưng, những “quy định cứng” đã gây nên tình trạng quá tải tại các trạm y tế, gây bức xúc cho người dân… Hệ quả là người dân phải mua thuốc trên mạng, ngoài chợ đen. Với sự “can thiệp” của người đứng đầu Chính phủ, hy vọng việc mua thuốc Molnupiravir của người dân sẽ không còn nhiêu khê như trước. Về phía người bệnh cũng không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc vì nếu sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gặp phản ứng phụ.

Tạo điều kiện để F0 điều trị tại nhà là giải pháp điều trị phù hợp trong trạng thái bình thường mới. Không chỉ tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái, lạc quan cho người bệnh, giải pháp này còn giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19. Có sự hợp tác tốt giữa F0, chính quyền địa phương và các trạm y tế, việc nắm bắt, quản lý các trường hợp mắc COVID-19 cộng đồng sẽ sát sao hơn, tất cả F0 sẽ được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, nhanh nhất, sớm nhất ngay địa bàn họ sinh sống.

TRƯƠNG TÙNG

;
.