Giữ chân người lao động

Thứ Tư, 16/02/2022, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

“Nhằm mục đích tuyển dụng công nhân, công ty sẽ tặng thưởng 200 ngàn đồng cho mỗi trường hợp người lao động giới thiệu được người thân, bạn bè… vào làm việc tại Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu”, dòng tin tuyển dụng lao động trong những ngày đầu năm mới trên trang cá nhân của một người bạn khiến tôi đặc biệt chú ý. Hỏi thăm mới biết, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN này rất lớn, nhất là khi chi nhánh sản xuất tại KCN Châu Đức có thêm nhiều đơn hàng mới. Do đó, công ty đã có “kế sách” như trên, nhằm tuyển dụng đủ lao động đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Tuy nhiên, nguồn lao động đầu năm khá khan hiếm, trong khi rất nhiều DN cũng thông báo tuyển dụng, nhất là lao động phổ thông các ngành như may mặc, giày da, chế biển thủy hải sản…

Không ít DN thừa nhận đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong thời điểm mở rộng sản xuất, ký kết thêm đơn hàng mới. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần phục hồi. Thế nhưng khó khăn mà các DN đang gặp phải chính là thiếu nguồn để tuyển dụng, thậm chí kể cả lao động phổ thông, chưa được đào tạo nghề. Trong chuyến nghỉ phép về quê ăn Tết vừa rồi, tôi khá ngạc nhiên khi tại rất nhiều vùng nông thôn miền Trung đã mọc lên nhiều KCN, nhà máy sản xuất. Đã có rất nhiều lao động hồi hương về quê làm việc bởi rất nhiều lợi thế: có sẵn nhà ở, chi phí sinh hoạt rẻ, trường công bảo đảm việc học của con em với mức học phí thấp… Đây cũng là lý do khiến cho nhiều năm qua, nguồn lao động tại các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, BR-VT, Đồng Nai… ngày càng thiếu hụt và khó tuyển dụng.

Theo dự báo, năm 2022 với sự thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch nên một số ngành, nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Việc thiếu hụt lao động được nhận định có thể tăng cao vào cuối quý I và quý II/2022, khi các DN hoạt động với công suất cao. Thông tin từ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, năm 2022, thị trường lao động BR-VT dự kiến cần hơn 15 ngàn lao động. Trong đó, tập trung ở 3 khu vực kinh tế là thương mại - dịch vụ cần tuyển 4.800 việc làm (tỷ trọng 32%); công nghiệp - xây dựng cần 7.200 việc làm (tỷ trọng 48%); nông - lâm - thủy sản là 3.000 việc làm (tỷ trọng 20%). Như vậy, nếu không có các giải pháp dài hơi, bài bản trong việc đào tạo, thu hút nguồn lao động thì tình trạng khan hiếm sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thu hút đầu tư tại tỉnh.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động. Dự kiến gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động sẽ trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các KCN, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Ngoài chính sách hỗ trợ tiền mặt, Chính phủ còn có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng nguồn vốn cho vay với các chính sách này tối đa là 25.000 tỷ đồng. Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐTB-HX về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động ban hành mới đây cũng nhấn mạnh đến các chính sách hỗ trợ lao động ngoại tỉnh chi phí sinh hoạt tối thiểu, y tế, sắp xếp nơi ở tạm thời, hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt…

Hy vọng với những chính sách mới này sẽ tạo cú hích để những lao động trở về quê còn đang băn khoăn sẽ quay trở lại thành phố làm việc, yên tâm gắn bó với DN. Tuy nhiên, về lâu dài, bản thân DN cần xây dựng nguồn lao động có tính gắn kết cao, bền vững bằng việc đảm bảo quyền lợi thông qua chế độ lương, thưởng, bảo hiểm, trợ cấp và các chính sách an sinh khác.

NGÔ GIA

 
;
.