Ưu tiên dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh
Đó là chia sẻ của lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong chiến lược hoạt động kinh doanh năm 2022 của các đơn vị.
Thông tin từ các ngân hàng cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, để giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn - phục hồi sản xuất kinh doanh, cùng với việc ưu tiên nguồn vốn, các ngân hàng còn chuẩn bị sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho DN.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ ngành ngân hàng mới ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện chính sách hỗ trợ DN. Năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, có thời điểm đến 70% DN bị tê liệt, ngừng sản xuất kinh doanh; 30% DN còn lại hoạt động cầm chừng, duy trì sản xuất ở mức độ thấp. Ngay lập tức, hệ thống ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nhập cuộc, hỗ trợ DN. Nhờ đó, các DN có thêm nguồn lực, dần lấy lại đà tăng trưởng.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ, trong thời gian qua, đơn vị luôn dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho phân khúc DN nhỏ và vừa, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn ngân hàng. Cùng với đó, ngân hàng cũng quyết liệt triển khai hàng loạt các gói miễn, giảm phí; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh cho biết, đến thời điểm giữa tháng 12/2021, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 4.144 khách hàng với tổng giá trị nợ (gốc + lãi) là 4.209 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi vay đối với 41.097 khách hàng, số tiền lãi đã được miễn giảm là 168 tỷ đồng cho tổng giá trị nợ 43.657 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay đạt 57.874 tỷ đồng.
Ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cho thấy, việc miễn - giảm phí và cơ cấu lại nợ đã làm cho ngân hàng hụt đi khoản lợi nhuận khá lớn, nhưng họ sẵn sàng nhập cuộc, sẵn sàng chia sẻ với DN.
Dù đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tuy nhiên, với diễn biến dịch COVID-19 đang phức tạp như hiện nay, nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, khó có khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Để tiếp tục hỗ trợ DN, mới đây tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, song tăng trưởng tín dụng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tín dụng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, gia tăng các gói vay ưu đãi hỗ trợ các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.
NHẬT MINH