Nghĩ từ chuyện "cân rác trả tiền"
Câu chuyện “ai xả rác nhiều sẽ phải trả nhiều tiền” hoặc “hộ gia đình, cá nhân nào không phân loại rác sẽ bị bị từ chối thu gom, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật” lại “nóng” lên sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT 2020) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Trước đây, giá thu gom rác sinh hoạt tại nhiều địa phương trong cả nước theo cơ chế “cào bằng”, người xả nhiều cũng giống người xả ít, không đủ bù đắp cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Tại BRVT, nhằm bảo đảm cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và giảm bớt gánh nặng ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường, ngày 01/10/2019 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26 điều chỉnh giá thu gom rác thải sinh hoạt. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, các huyện thị, thành phố trên địa bàn tỉnh áp dụng đơn giá 50.000 đồng/hộ/tháng và 25.000 đồng/phòng trọ/tháng. Sau 15 năm chưa thay đổi đơn giá, việc điều chỉnh đơn giá mới giai đoạn 2020-2023 là việc cần thiết, tuy vậy việc thu gom rác có lúc có nơi chưa được thực hiện tốt.
Những người ủng hộ quan điểm “ xả nhiều rác trả tiền tiền” thảy đều tin rằng việc cân rác trả tiền sẽ khiến người dân hạn chế việc xả rác, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên bên cạnh đó không ít người cũng lo ngại tính khả thi. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để tính được khối lượng rác phát sinh? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cân rác? Việc ghi chép, cập nhật số lượng thế nào? Có người còn lo rằng khi thu phí rác thải theo khối lượng, có thể xảy ra trạng tình trạng nhà này mang rác sang nhà người khác “gửi nhờ’ hoặc vứt rác ra gầm cầu, ngõ hẽm, đường vắng, công viên… để không phải trả tiền cho việc thải rác. Quả là một bài toán khó nếu như các đơn vị thu gom không có nguồn lực, phương pháp tổ chức phù hợp, hướng dẫn cụ thể của các ngành chức năng.
Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác là một chu trình khép kín, trong đó việc phân loại rác tại nguồn có vai trò hết sức quan trọng. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác đều được bỏ chung một túi/thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cuộc sống con người. Với họ, việc trang bị 2 túi đựng rác riêng biệt chỉ tốn thêm tiền (?!)
Phía đơn vị thu gom rác cũng có những bất cập, trong đó có điểm yếu thiếu xe rác chuyên dụng. Do chỉ có duy nhất một xe rác đi thu gom nên sau khi ra khỏi nhà dân, rác lại được… trộn lẫn vào nhau khiến việc phân loại trước đó của người dân trở thành vô nghĩa. Điều này cắt nghĩa vì sao nhiều năm qua, dù đã được triển khai tại một số tỉnh thành nhưng chương trình phân rác tại nguồn vẫn “chưa thể đi vào cuộc sống”.
Tuy có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 nhưng Luật BVMT 2020 có thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. Như vậy, các ngành chức năng còn những 3 năm để chuẩn bị các điều kiện “cần và đủ” để khi chính thức “vận hành”, luật có tính khả thi cao. Để bảo đảm nguyên tắc phí rác thải được tính dựa trên khối lượng thải ra cũng như nâng cao hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, điều quan trọng là hạ tầng thu gom và xử lý rác thải phải đồng bộ. Không chỉ mỗi hộ gia đình phải có các loại thùng hoặc túi đựng rác để phân loại rác dễ phân hủy và rác có thể tái chế mà các đơn vị thu gom rác cũng phải có phương tiện để thu gom, vận chuyển các loại rác khác nhau sau phân loại. Đây cũng là khoảng thời gian để các ngành chức năng đẩy mạnh truyền thông giúp người dân hiểu rõ nguyên tắc người nào xả rác nhiều sẽ phải trả tiền nhiều là công bằng và tất yếu; Hướng dẫn cho người dân thu gom, phân loại rác đúng cách, có cơ chế hỗ trợ khuyến khích thực hiện để thay đổi ý thức cộng đồng về phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải, coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên. Tất nhiên, các chế tài về việc xả rác không đúng quy định phải thực hiện nghiêm nhằm tránh tình trạng người dân mang rác xả ra môi trường.
NGUYỄN HƯNG NHƠN