Đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở
Trải qua 4 đợt dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại, hệ thống y tế của nước ta nói chung và của từng địa phương nói riêng, đang phải căng mình trên nhiều mặt trận, trong đó, đáng chú ý là tuyến y tế cơ sở của nhiều địa phương có dấu hiệu quá tải. Theo dự báo, biến chủng Delta vẫn tiếp tục lây lan trên diện rộng và chưa có dấu hiệu suy giảm, cùng với sự xuất hiện biến chủng mới Omicron tại Hà Nội, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương… tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Thách thức của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục tăng cường các giải pháp ứng phó, tăng năng lực và lấp đầy các khoảng trống trong hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.
Trong 3 làn sóng đầu, khi virus chưa biến đổi, số ca mắc còn ít, hệ thống y tế của nước ta đáp ứng khá tốt việc đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta lây lan nhanh, số lượng bệnh nhân tăng đột biến đã tác động tới sự vận hành và khả năng chống chịu của mạng lưới y tế cơ sở. Các trạm y tế xã, phường ở các địa phương có số ca nhiễm bệnh nhiều, như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đã và đang phải chịu những áp lực lớn. Sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của đội ngũ nhân lực y tế tuyến đầu đã bị bào mòn sau một thời gian dài căng thẳng đối phó với dịch bệnh.
Từ khi các địa phương triển khai thực hiện phương thức quản lý F0 nhẹ, không triệu chứng và các ca nghi nhiễm F1, F2 tại nhà, hệ thống y tế cơ sở và các trạm y tế xã, phường đang phải thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ như xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng và dần trở thành nơi theo dõi và điều trị phần lớn số bệnh nhân F0. Trong bối cảnh đó, có thể coi y tế cơ sở là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu. Thực tế hiện nay cho thấy, mỗi trạm y tế xã, phường thường chỉ có 5-10 nhân viên mà phục vụ, quản lý hàng ngàn, thậm chí có nơi đến hàng vạn người dân. Trong khi, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vừa xuống cấp, vừa thiếu thốn; thu nhập của các nhân viên y tế cơ sở còn thấp, không thu hút được người có năng lực, trình độ cao về công tác tại các tuyến y tế cơ sở. Thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu nhân viên y tế tuyến cơ sở được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới hệ quả trực tiếp là năng lực cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế xã, phường chưa theo kịp nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp về y tế công cộng. Đã đến lúc cần xác định hướng đi lâu dài cho việc xây dựng nguồn lực y tế cơ sở nói riêng và ngành y tế nói chung. Muốn vậy, cần thực hiện kịp thời cải cách tiền lương và chế độ đãi ngộ, hỗ trợ tài chính cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các chuyên gia y tế cho rằng, mạng lưới y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Điều đó đòi hỏi các địa phương cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở, phân bổ tỷ lệ nhân viên y tế một cách hợp lý dựa trên cơ sở số dân cư trên địa bàn. Đồng thời, cần có chính sách tuyển dụng, thu hút, hỗ trợ cán bộ y tế làm việc tại tuyến y tế cơ sở, như hỗ trợ kinh phí một lần khi đăng ký về làm việc tại các trạm y tế, hỗ trợ tăng thu nhập hàng tháng, hỗ trợ kinh phí khi cử đi tập huấn, đào tạo… Trong đó, cần chú trọng hình thành và phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình, củng cố hệ thống y tế xã, phường để giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện.
Nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, theo dõi dịch bệnh và điều trị F0 tốt hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch COVID-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong các tình huống khác nhau, từ mức độ bình thường đến sự cố y tế nghiêm trọng. Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa và kết hợp được những lợi thế của ngành y tế hiện nay, trong đó bao gồm việc huy động nguồn lực y tế tại chỗ (y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y…)
HOÀNG LÊ