Nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ tỉnh BR-VT đã xác định phát triển NNCNC là 1 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh. Phát triển mạnh NNCNC để tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị sản xuất đất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở xây dựng và phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện sản xuất NNCNC theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp.
Việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng, năng suất cao, tính năng vượt trội và thân thiện với môi trường… có vai trò then chốt đối với việc hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Để làm được điều đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho NNCNC đóng một vai trò rất quan trọng.
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề nói chung và phát triển nguồn nhân lực cho NNCNC nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chọn NNCNC, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, với các công nghệ: Sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, nhiều HTX, hộ sản xuất nông nghiệp đã thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa bằng việc kết nối thương mại điện tử, bán hàng qua mạng.
Với thế mạnh về ứng dụng khoa học - công nghệ, hệ thống cơ chế chính sách và nguồn nhân lực, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh BR-VT đã phát triển tương đối nhanh các mô hình sản xuất NNCNC. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình ứng dụng CNC thuộc các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 350 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng CNC với diện tích 2.820ha. Hơn 120 trang trại nuôi heo, nuôi gia cầm được đầu tư ứng dụng CNC, chiếm 27,5% tổng đàn chăn nuôi gia cầm và 59,3% tổng đàn chăn nuôi heo. Trong đó, các công nghệ điển hình được ứng dụng là: Trang trại chăn nuôi thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học; ứng dụng công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh 3-5 vụ/năm. Nhiều khu vực trồng trọt thực hiện lắp dựng nhà màng, nhà lưới, với hệ thống tưới tiên tiến kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động; gắn hệ thống theo dõi điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm theo cảm biến…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song sản xuất NNCNC của nước ta nói chung và của nhiều địa phương nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của từng vùng, miền. Sự gắn kết giữa khoa học - công nghệ với hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sản xuất NNCNC còn nhiều bất cập. Các mô hình ứng dụng CNC tại nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán và phân bố không đồng đều. Đặc biệt, nguồn nhân lực nông nghiệp (là chủ thể của quá trình phát triển NNCNC) hiện đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2025, ngành nông nghiệp nước ta thiếu khoảng 3,5 triệu nhân lực nông nghiệp đã qua đào tạo. Hiện tại, do chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ nên phần lớn lao động nông nghiệp chưa đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, hạn chế đến việc tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến nông sản.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho NNCNC thực sự là một thách thức rất lớn và là một đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển NNCNC đòi hỏi các địa phương, đơn vị cần xây dựng các mô hình đào tạo trên cơ sở gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất của các cơ sở. Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề công nghệ nông nghiệp, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại các vùng NNCNC. Có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nghiên cứu và đào tạo ngành NNCNC. Thực hiện các ưu đãi trong việc hình thành, phát triển các vườn ươm khởi nghiệp và tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo công nghệ. Đồng thời, tăng cường mở các lớp tập huấn tại cơ sở sản xuất cho lao động nông thôn, để họ nhanh chóng tiếp cận và kịp thời ứng dụng CNC vào thực tế sản xuất, song song với ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dịch vụ nông nghiệp.
HOÀNG LÊ