Tôi tham gia một nhóm trên mạng xã hội. Nhóm có tên gọi khá lạ: “Nhóm học trò cũ của thầy cô giáo cũ…” với hàng trăm thành viên, những thành viên ấy hiện đang sinh sống, làm việc khắp các miền của Tổ quốc, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi năm vào dịp 20/11 là rôm rả nhất, nhóm hẹn nhau gặp mặt, chúc mừng, tri ân thầy cô giáo cũ. Thầy cô giáo cũ của tôi có những người đã nghỉ hưu vài ba chục năm nay, nhưng vẫn có thể “điểm mặt, gọi tên” từng học trò của mình, trong đó có những người đã lên chức ông, bà… Những buổi họp mặt ấy, thầy cô giáo đều động viên, kết nối các thế hệ học trò của mình với nhau, người đi trước nâng đỡ người đi sau, rất thiết thực và ý nghĩa. Thầy cô giáo cũ của tôi nói, sự thành công, thành người của các trò là món quà tri ân ý nghĩa nhất trong sự nghiệp đưa đò thầm lặng của mình.
Sở dĩ, thầy cô giáo cũ của tôi quy tụ được bao thế hệ học trò và duy trì được mối quan hệ khăng khít như vậy trong suốt nhiều năm, bởi những năm tháng đứng trên bục giảng, trong sự nghiệp đưa đò của mình, thầy cô đã nâng đỡ, nuôi dưỡng bao thế hệ học trò; rèn giũa về nhân cách, đạo đức, kiến thức và cả bao bọc, che chở như cha mẹ đối với những học trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...
Thầy cô giáo cũ của tôi là những người trong vô số các thầy cô giáo rất đáng trân quý, ngày đêm dốc sức đào tạo các thế hệ học trò thành tài, thành người - góp phần dựng xây đất nước trở nên ngày càng phồn thịnh, bắt kịp sự phát triển của thế giới.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.
Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày đặc biệt nhất, bởi đây là dịp để cả xã hội cùng tôn vinh các thầy cô giáo - những người đưa đò thầm lặng. Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa… Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19, thầy và trò nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có BR-VT vẫn còn chưa được đến trường để học trực tiếp, chưa thể “tay bắt mặt mừng” trong suốt nhiều tháng qua. Vậy nhưng, không vì thế mà ngày 20/11 giảm đi ý nghĩa. Nhiều trường học đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam bằng hình thức trực tuyến trang trọng, đầm ấm tình thầy trò… Những hoạt động tri ân thầy cô giáo được các thế hệ học trò thực hiện bằng nhiều hình thức, đôi khi chỉ đơn giản là những dòng tin nhắn, tấm thiệp tự thiết kế bằng đồ họa, những cuộc gọi chúc mừng thầy cô giáo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người cho xã hội mới, cho dân tộc Việt Nam. Người khích lệ HS chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà. Người đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Người nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho HS có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”. Người cũng yêu cầu Đảng và Nhà nước quan tâm giáo dục lên hàng đầu, cả xã hội cần chăm lo cho sự nghiệp trồng người.
Với truyền thống của dân tộc Việt Nam, từ bao đời nay, cả xã hội luôn hướng đến, tôn vinh và tri ân các thầy cô giáo - những người đưa đò thầm lặng - những anh hùng vô danh!
LINH TRẦN