Tính đến ngày 28/10, đã có 86.324 trẻ từ 12-17 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Những điểm đã tiêm xong cho HS khối THPT bắt đầu chuyển sang tiêm cho học sinh khối THCS. Việc tiêm ngừa diễn ra trong trật tự, an toàn, không có trường hợp nào gặp phản ứng bất lợi sau tiêm.
TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thí điểm trước khi cả nước đồng loạt triển khai tiêm đồng loạt cho trẻ dưới 18 tuổi vào tháng 11. Sau khi kết thúc, TP. Hồ Chí Minh sẽ đánh giá toàn diện rút kinh nghiệm chiến dịch tiêm chủng này. Diễn tiến của việc tiêm chủng do vậy đã trở thành tâm điểm chú ý của hàng triệu phụ huynh trong cả nước. Và điều mà đông đảo phụ huynh mong đợi, thở phào chính là chia sẻ của nhiều HS “chỉ đau nhẹ tại vị trí tiêm, ngoài ra không có triệu chứng gì bất thường, “không có trường hợp nào gặp phản ứng bất lợi sau khi tiêm”.
Từ khi có thông tin từ đầu tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em sẽ được triển khai trên toàn quốc với loại vắc xin Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất, nhiều phụ huynh vừa cảm thấy vui nhưng cũng có phần lo lắng. Trên các nhóm chat zalo của phụ huynh TP. Vũng Tàu, người ta đọc thấy những cảm xúc mừng vui xen lẫn lo âu. Nhiều người hỏi nhau có nên cho con đi tiêm ngừa COVID-19, tác dụng phụ của vắc xin ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ như thế nào…
Việt Nam có 8,1 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12-17. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều chuyên gia y tế trấn an rằng, trẻ em là đối tượng ít bị mắc COVID-19 và nếu có nhiễm virus thì tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong cũng rất thấp. Tuy nhiên, điều này không còn đúng nữa kể từ khi biến thể Delta xuất hiện. Thực tế cho thấy, trẻ em cũng vẫn mắc COVID-19. Số trẻ em nhập viện và tử vong vì COVID-19 gia tăng ở nhiều nước. Nhiều tỉnh, thành phố nước ta đã phải đóng cửa trường học do có hàng loạt loạt học sinh mắc SARS-CoV-2.
Những lo lắng, mừng vui của phụ huynh là có thể hiểu được. BR-VT đã qua nhiều tháng giãn cách, trẻ con chỉ quanh quẩn trong nhà, gắn với màn hình để học trực tuyến. Nếu được tiêm phòng, trẻ em có thể trở lại trường học sớm, gặp gỡ bạn bè, thầy cô, giao lưu, tiếp xúc với xã hội, cộng đồng. Lo lắng vì trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông có không ít thông tin cho rằng, việc tiêm vắc xin cho trẻ em còn nhiều bất cập như vấn đề độc tố dài hạn, sinh kháng thể tồn tại, các tác dụng phụ sau tiêm… Những thông tin này ít nhiều đã khiến phụ huynh bị phân tâm.
Thông tin hơn 86 ngàn trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mà “không có trường hợp nào gặp phản ứng bất lợi sau tiêm” đã xua tan mọi nghi ngại trong cộng đồng, khiến các bậc phụ huynh đồng thuận đưa con em đi tiêm chủng. Bên cạnh đó, khuyến cáo của Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng khiến nhiều phụ huynh thay đổi nhận thức và sẵn sàng tâm thế cho việc tiêm ngừa của con. Ông nói trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm và truyền virus, do vậy cần tiêm chủng rộng rãi cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ xuất hiện biến thể mới bằng cách giảm lây truyền virus.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch của tỉnh BR-VT thời gian tới. Trong cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh yêu cầu ngành y tế phối hợp với ngành GD-ĐT và các huyện, thị xã, thành phố thống kê số lượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi để tỉnh bố trí vắc xin. Ngành y tế cần tổ chức tập huấn quy trình tiêm chủng đối với trẻ em để bảo đảm an toàn tiêm chủng và đúng kế hoạch tiêm theo lộ trình mà Bộ Y tế đưa ra.
Quan điểm đã rõ, lộ trình đã xác định. Vấn đề là tổ chức, triển khai chiến dịch tiêm chủng như thế nào cho an toàn, hiệu quả. Trách nhiệm không chỉ riêng ngành y tế và giáo dục mà còn là của chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh. Các em cần được tư vấn kỹ về các nội dung bảo đảm an toàn tiêm chủng, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe trước và sau khi tiêm; Các điểm tiêm tập huấn kỹ cho nhân viên y tế về tổ chức khám sàng lọc, đánh giá toàn diện thể trạng của trẻ trước tiêm, xử trí phản ứng sau tiêm, tổ chức công tác cấp cứu cho trẻ; Trẻ đến tiêm xếp hàng trật tự, giữ đúng khoảng cách để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm an toàn dịch.
Trẻ em là một phần của xã hội. Tiêm vắc xin cho trẻ không chỉ bảo vệ chính trẻ mà còn bảo vệ cả cộng đồng. Có “tấm khiên” vắc xin, trẻ con mới có thể sống chung an toàn với COVID-19, vui bước đến trường.
NGUYỄN TRIỆU HẢI