Giữ chân người lao động

Chủ Nhật, 17/10/2021, 17:19 [GMT+7]
In bài này
.

“Tập trung tháo gỡ khó khăn của người dân, DN, nhà đầu tư, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) quay lại tỉnh làm việc và tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội để đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế”, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi bế mạc Hội nghị lần thứ Bảy BCH Đảng bộ tỉnh khóa VII chiều 14/10 vừa qua.

“Khát” lao động hậu COVID-19 là một thực trạng đáng lo ngại trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Đáng lo ngại” bởi làn sóng công nhân, NLĐ về quê tránh dịch, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sự khan hiếm lao động vẫn là vấn đề nóng của hơn 2 tháng còn lại của năm 2021.

Khảo sát của Sở LĐTBXH, Ban Quản lý các KCN tỉnh cho thấy, tại thời điểm này, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn. Mặc dù tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, song tâm lý của nhiều NLĐ vẫn còn lo ngại, chưa sẵn sàng trở lại nhà máy làm việc. Những người đã về quê nếu muốn cũng chưa thể trở vào vì vận chuyển hành khách vẫn chưa hoạt động lại. Vậy nên, nhấn mạnh trên đây của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đã khiến giới DN yên tâm, hy vọng sẽ sớm đưa NLĐ trở lại nhà máy một ngày không xa.

Trên các phương tiện truyền thông những ngày này, người ta đọc, nghe thấy những lời mời gọi, đề nghị của lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: “NLĐ đừng về quê mà hãy ở lại làm việc vì tỉnh (thành phố) đang rất thiếu lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh”. Không dừng lại ở đó, các tỉnh, thành phố còn khẳng định nếu NLĐ không thể tự quay lại, sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, tổ chức đưa đón công nhân trở lại làm việc.

Quan điểm, cách làm từ nhiều tỉnh, thành phố khác cũng cho thấy, sau làn sóng NLĐ “ồ ạt về quê”, các địa phương đã rất quan tâm đến việc thu hút, giữ chân NLĐ. Chẳng hạn, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế… đã nỗ lực kết nối, giới thiệu việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông và có tay nghề từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch. Được ở nhà, lại có việc làm, bảo đảm thu nhập, những lao động này cho biết sẽ không trở vào Nam để mưu sinh nữa và điều này cũng có nghĩa các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ khó tuyển đủ lao động để phục hồi sản xuất.

Nhiều chuyên gia lao động cảnh báo số lao động về quê quay trở lại làm việc sẽ chỉ còn khoảng 60-70%. Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cũng nhận định thị trường lao động đang tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động. Phải chặn nguy cơ đứt gãy nguồn cung lao động bằng một loạt các giải pháp căn cơ trong đó có vấn đề nhà ở cho công nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam chiều 16/10.

Để giải bài toán nơi thừa nơi thiếu lao động trong bối cảnh “bình thường mới”, sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và giữa địa phương với DN trong việc tạo thuận lợi cho CN trở lại nhà máy cần được đặt ra! Sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, các ngành chức năng về an sinh xã hội, tiêm đủ vắc xin cho NLĐ cũng là yêu cầu bức thiết vào lúc này.

Để giữ chân NLĐ, các DN phải xem công nhân là tài sản quý giá nhất chứ không phải lực lượng làm thuê nhất thời, trên cơ sở đó xây dựng chế độ lương, thưởng, phúc lợi thoả đáng để họ có niềm tin, thấy được tương lai mà quay trở lại nhà máy. Chỉ khi được chăm lo tốt về cuộc sống, sức khỏe, học hành cho con cái, bảo đảm được chế độ an sinh, có tích lũy thì NLĐ mới thực sự gắn bó, chia sẻ và đồng hành với DN cả trong khó khăn, gian khổ.

Bài toán nguồn lực lao động được giải quyết sẽ tạo động lực để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Khó khăn là điều ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng nếu từng DN chủ động xây dựng và triển khai các phương án kinh doanh tốt nhất, giữ chân người lao động tốt nhất, “những cánh cửa” khác sẽ mở ra với các DN, giúp họ vững niềm tin tiến lên chặng đường phía trước.

TRƯƠNG TÙNG

;
.