Người dân là chủ thể chống dịch

Chủ Nhật, 19/09/2021, 21:04 [GMT+7]
In bài này
.

Tuần rồi, TP. Vũng Tàu đã khẩn trương tiến hành việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng cho khoảng 132 ngàn người dân tại 5 phường nguy cơ cao trên địa bàn thành phố gồm phường 8, 10, Thắng Nhất, Thắng Nhì và Nguyễn An Ninh. Đợt xét nghiệm được coi là lớn nhất trên địa bàn thành phố qua 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với mục tiêu “làm sạch” F0 trong cộng đồng. Cùng thời điểm, TX. Phú Mỹ, huyện Long Điền và TP. Bà Rịa cũng tiến hành xét nghiệm sàng lọc F0, truy vết F1, F2 trên diện rộng, làm sạch cộng đồng.

Nhìn lại công tác này, TS. Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn, chuyên gia được Bộ Y tế điều động hỗ trợ BR-VT có một nhận định thuyết phục. Ông Quang cho rằng, việc các địa phương “vùng vàng” xét nghiệm trên diện rộng, xét nghiệm thần tốc là hết sức cấp thiết, phải làm vì chỉ như thế mới có thể cắt đứt nguồn lây từ đó tăng khả năng dập dịch. Trong các địa phương được xác định là “nguy cơ cao” thì TX. Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu tình hình còn khá phức tạp với số ca mắc mới tiếp tục được ghi nhận, trong số đó có một số ca chưa rõ nguồn lây.

Phải nói kỹ như thế về việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để thấy rằng, yếu tố này rất quan trọng trong quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Đội ngũ nhân viên y tế đóng vai trò chính trong khâu lấy mẫu. Tập trung lực lượng y tế cho các địa bàn nguy cơ cao bằng việc điều động, tăng cường lực lượng từ các vùng xanh hoặc địa bàn ít nguy cơ; Chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; Sử dụng tình nguyện viên để lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Khi lấy mẫu, tránh tình trạng tập trung đông người, gây nguy cơ lây nhiễm chéo. Việc triển khai phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K nhằm bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu và người được lấy mẫu. Trong đợt lấy mẫu xét nghiệm thần tốc vừa qua, phần lớn các địa phương đã bảo đảm các yêu cầu cơ bản đó. Tuy nhiên, lực lượng cơ quan chức năng cũng ghi nhận những bất cập: Các biện pháp xác định mốc dịch tễ, truy vết chưa được uyển chuyển, đa dạng; Vẫn còn trường hợp mất dấu trong việc xác định nguồn lây, vì vậy không thể truy vết hết, bỏ sót F1 làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng… 

Những ngày này, các huyện, thị xã, thành phố đang khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm chi tiết đợt từ 17-22/9/2021. Yêu cầu đặt ra là triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp: Thực hiện giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ nhất có thể, thần tốc xét nghiệm là then chốt; Thành lập, triển khai các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn có nguy cơ cao với mục tiêu kiểm soát dịch, xanh hóa địa bàn vào ngày 22/9.

Tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch tổ chức vào đầu tháng 9, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh có một phát biểu ấn tượng: “Với đại dịch COVID-19, chúng ta không thỏa hiệp, không dừng bước. Nếu không truy vết, không phát hiện, không xử lý, không điều trị kịp thời thì chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp để công tác phòng, chống dịch được thực hiện tốt hơn nữa”. Đó là một khái quát cô đọng ý chí, bản lĩnh, quyết tâm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân BR-VT với vai trò chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian qua, người dân BR-VT đã luôn đồng hành với chính quyền địa phương, đóng góp công sức rất lớn trong công cuộc phòng, chống dịch: Nghiêm túc thực hiện cách ly, giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, tham gia các tổ COVID cộng đồng, cảnh giác, giữ an toàn cho nhau, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn; Nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm 5K, không tụ tập đông người; Sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho người dân gặp khó khăn…

Những ngày tới, cho dù áp dụng giãn cách xã hội hay mô hình “thích nghi an toàn với dịch”, quan điểm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”; người dân là “chiến sĩ” là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch cần được quán triệt, xuyên suốt; Vai trò, ý thức của mỗi công dân rất quan trọng. Với tinh thần đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, đồng lòng, nhất trí cùng chính quyền chống dịch. Có như vậy, hành trình trở lại trạng thái “bình thường mới” của xã hội, cộng đồng mới nhanh chóng và nhiều ý nghĩa.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.