Giữ nguồn lao động

Thứ Tư, 22/09/2021, 23:04 [GMT+7]
In bài này
.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị ngưng trệ, kéo theo đó là việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.

Thống kê tình trạng việc làm của lao động trong đợt dịch lần thứ 4 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ mất việc ở các khu vực xây dựng gần 67%; dịch vụ 63%; nông lâm ngư nghiệp gần 60%; công nghiệp (sản xuất) gần 49%.

Còn theo báo cáo mới nhất của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TBXH, số người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch COVID-19 trong quý 2 đã lên đến 12,8 triệu người. Chưa kể, nguồn lao động từ thành phố về quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi.

Tại hội nghị trực tuyến đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN mới đây, đại diện một DN ngành du lịch cũng đã rất lo lắng cho biết, khi dịch bệnh được kiểm soát, điều mà ngành du lịch đang phải đối mặt là thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động có tay nghề. 2 năm qua, hàng loạt DN ngành du lịch phải tạm đóng cửa, lực lượng lao động lĩnh vực này cũng phải nghỉ việc. Nhiều người chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng thất thoát nhân lực đối với lĩnh vực du lịch đang là nguy cơ trước mắt, cũng chưa từng có trong tiền lệ.

Không ít ngành nghề khác cũng phải đối diện với tình trạng hao hụt nhân lực khi hoạt động bị đình trệ như dịch vụ, dệt may, chế biến nông sản... Nhiều DN cho biết, dù đang phải tạm ngưng hoạt động, không có doanh thu nhưng vẫn phải duy trì trả lương cho người lao động, đủ để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu. Nếu không làm như vậy, sau này họ sẽ thiếu hụt lực lượng để sản xuất, kinh doanh. Nhưng nếu kéo dài, DN cũng đã cạn kiệt nguồn lực để thực hiện mục tiêu “giữ chân người lao động”.

Rõ ràng, ngay lúc này các DN cần được tiếp sức, không chỉ về vốn, giãn, giảm thuế phí mà còn là nguồn lực để giữ chân người lao động. Bởi đây là lực lượng không chỉ tạo ra của cải, vật chất mà còn là người tiêu thụ, góp phần tạo thành tổng cầu cho nền kinh tế. Từng nhà máy, DN, khu chế xuất, KCN và mỗi địa phương nếu giữ chân được người lao động sẽ giữ cung cầu cân bằng, bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy. Nếu không giữ được người lao động thì khi khống chế được dịch bệnh, chắc chắn DN sẽ không có công nhân lành nghề để sản xuất. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của DN, rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, nhà ở… Đồng thời, sớm tiêm vắc xin cho người lao động, cũng như đẩy nhanh chi trả chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh để họ vượt qua khó khăn trong đại dịch, cũng như sẵn sàng phục hồi sản xuất kinh doanh cho giai đoạn sắp tới khi dịch bệnh được kiểm soát.

NGÔ GIA

;
.