Giữ vững niềm tin giữa khó khăn
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu. Ở Việt Nam, đợt dịch thứ 4 bùng phát, lan rộng ở khắp các tỉnh thành đã buộc nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong gần 1 tháng qua. Đáng chú ý, đợt dịch này thâm nhập vào các KCN, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng loạt DN bị đình trệ, không ít DN phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, tạm rút khỏi thị trường.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ ngành đã và đang nỗ lực hết sức có thể trong điều kiện của đất nước để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hàng loạt gói hỗ trợ kinh tế đã được tung ra để hỗ trợ DN như: miễn, giảm nhiều loại thuế, phí; giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ DN vay vốn để trả lương cho người lao động… Sự đồng hành, sẻ chia của Chính phủ, bộ, ngành thời gian qua đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng DN giữ vững sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Có thể thấy rõ chuỗi sản xuất - tiêu thụ vẫn được duy trì tốt. Trong gần 1 tháng, 19 tỉnh thành phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16, hàng hóa nội địa vẫn đầy ắp ở siêu thị. Dù vô vàn khó khăn, nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của nước ta vẫn đạt 5,64%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài chiều hướng tăng mạnh vào khai thác thị trường nội địa, thì kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn đạt kết quả khả quan, đặc biệt là nhóm nông lâm thủy sản… Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương. Tại BR-VT, nhóm hàng nông lâm sản vẫn duy trì tăng trưởng, với mức tăng 29,76%, đạt 172,25 triệu USD, chiếm 5,37% về tỷ trọng xuất khẩu.
Trong khó khăn, sức mạnh, ý chí tự lực của cộng đồng doanh nghiệp được phát huy mạnh mẽ. Họ đã nhanh chóng tìm kiếm cơ hội để phát triển bằng sự chủ động và sáng tạo trong sản xuất, xoay chuyển thị trường, góp phần giữ vững nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, nhiều DN đã cố gắng chung tay, góp sức hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ngay sau khi Quỹ Vaccine được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của Quỹ để mua vắc xin. Hiện nay, sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng DN vẫn chưa dùng lại đó. Nhiều DN vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vắc xin, thuốc, hỗ trợ cơ sở khám chữa bệnh về vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Sự đóng góp của cộng đồng DN về vật chất, đã trở thành một nguồn lực quan trọng bậc nhất giúp cho đất nước ta vững vàng trong gần 1 tháng đầy thử thách.
Tuy nhiên, sự xuyên phá ghê gớm của đại dịch COVID-19, với biến chủng Delta mới luôn đe dọa thường trực đến sự ổn định của cộng đồng DN, đặc biệt là các KCN, KCX tập trung đông lao động. Chỉ 1 người trong 1 DN nhiễm bệnh cũng có thể kéo theo cả 1 DN phải ngừng sản xuất, 1 KCN bị ảnh hưởng. Do đó, trong cuộc đối thoại mới đây nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với DN, không ít lãnh đạo DN khẩn thiết đề nghị Chính phủ ưu tiên vắc xin cho người lao động, công nhân. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các ý kiến của DN và cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ DN. “Nghị quyết này sẽ cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện của nền kinh tế, của đất nước ta” - Thủ tướng nói.
Chúng ta đều biết rằng, đây là thời điểm rất khó để nói về nguồn cung vắc xin cũng như phương án phân bổ. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng với sự quyết liệt của Chính phủ trong việc tiếp cận nguồn vắc xin, cũng như sự chủ động và sẵn sàng đóng góp của DN, vấn đề vắc xin sẽ sớm được giải quyết, giúp DN giữ vững được thế trận sản xuất, kinh doanh.
Thu Thảo