.

Cảm ơn những "chiến binh áo trắng"

Cập nhật: 20:55, 08/08/2021 (GMT+7)

Tuần rồi, tỉnh BR-VT đón tiếp 2 đoàn khách “đặc biệt” đến từ 2 tỉnh Yên Bái và Thái Nguyên. Họ là 40 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, tình nguyện đến BR-VT hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch COVID-19. 

Kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, những tỉnh, thành phố từng là “điểm nóng” dịch COVID-19 như Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đã được đón những đoàn khách “đặc biệt” như thế đến từ nhiều nơi trong cả nước. Ngay sau khi “hội quân”, những “chiến binh tình nguyện” đã bắt tay vào việc, cùng với lực lượng y tế địa phương hỗ trợ xét nghiệm, sàng lọc, tiêm chủng, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 với tinh thần “Chung tay, góp sức đồng hành đẩy lùi dịch bệnh”.

Người ta chưa quên việc bác sĩ trẻ Đặng Văn Hiệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh “xuống tóc” trước khi vào “tâm dịch” Bắc Giang. Đầu không còn một sợi tóc nhưng bác sĩ Hiệu cười rất tươi. Nụ cười tỏa nắng của bác sĩ 9X gây xúc động mạnh đối với người xem. Năm ngoái, đoàn bác sĩ từ Hải Phòng vào Đà Nẵng tham gia chống dịch đầu cũng “trọc lóc” như thế nhưng không một ai bận tâm tới chuyện đẹp xấu. Khi “xuống tóc”, họ chỉ nghĩ đến một điều: để thuận tiện hơn cho công tác phòng, chống dịch khi cả ngày phải mang đồ bảo hộ kín mít giữa thời tiết nóng bức.

Trung tuần tháng 5/2021, hình ảnh 2 nam thanh niên mặc trang phục bảo hộ y tế nằm trên vỉa hè bên cạnh chiếc xe công vụ lúc tờ mờ sáng cũng đã khiến hàng ngàn cư dân mạng xúc động, nao lòng. Được biết, 2 nam nhân viên y tế này tham gia chống dịch ở huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, trên đường trở ra thì mệt quá, liền nằm vật xuống đường nghỉ lấy lại sức. 15 phút sau họ lại tiếp tục lên đường.

Ở những “điểm nóng” chống dịch, đội ngũ nhân viên y tế trong bộ quần áo bảo hộ che kín từ đầu tới chân, phải gồng mình làm việc gần như xuyên thời gian. Cường độ làm việc của họ cao gấp nhiều lần so với những ngày thường. Ngày này qua ngày khác, họ gần như không có chút thời gian trống để nghỉ ngơi. Đã có người ngất xỉu, kiệt sức như trường hợp 2 nhân viên y tế vừa kể trên.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các thầy thuốc còn làm nhiều việc “không tên” khác. Trong khi làm nhiệm vụ, không ít y, bác sĩ đã bị mắc COVID-19. Sau khi cách ly, điều trị lành, họ lại lao vào công việc. Những hy sinh lớn lao thầm lặng ấy của đội ngũ nhân viên y tế thật khó có thể đong đếm được.

Từ đầu tháng 7, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh, lực lượng y tế tư nhân BR-VT đã tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người, phương tiện phục vụ cho công tác xét nghiệm, truy vết, vận chuyển bệnh nhân. Một số cơ sở y tế tư nhân có đủ điều kiện tiêm chủng còn tham gia công tác tiêm phòng vắc xin COVID-19 do Sở Y tế triển khai.

Hiểu, đồng cảm với nỗi vất vả, cực nhọc của các lực lượng tuyến đầu, thời gian qua lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành đã tổ chức nhiều buổi thăm hỏi, tặng quà cán bộ các chốt kiểm dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn, vất vả mà họ đang đối mặt; chúc cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế trong tỉnh khỏe mạnh, hạnh phúc, tiếp tục đóng vai trò xung kích, phát huy tối đa năng lực trong “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19 để sớm mang lại cuộc sống bình an, khỏe mạnh cho người dân.

Nếu có một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” rằng trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, lực lượng nào được người dân gửi trao nhiều yêu thương, tin tưởng nhất, ắt hẳn những “chiến binh áo trắng” được gọi tên trước tiên. Quả thật, hình ảnh những “chiến binh áo trắng” nơi tâm dịch luôn đem lại cảm giác bình yên, tin cậy. Nó truyền đến tất cả chúng ta thông điệp các y, bác sĩ sẽ làm tất cả vì sự an toàn của người dân.

“Mỗi vết thương lành một nỗi vui” - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khắc họa tố chất tốt đẹp của người thầy thuốc như thế. Hình ảnh của những “chiến binh áo trắng” đang nỗ lực chiến đấu, đẩy lùi dịch bệnh đã và đang dệt nên những câu chuyện đẹp trong cuộc sống, càng thêm niềm tin sẽ sớm cùng nhau vượt qua đại dịch.

Còn chúng ta có thể làm gì để thể hiện lòng biết ơn, đồng thời tiếp sức cho đội ngũ nhân viên y tế? Cũng không quá khó. Chỉ cần mỗi người trong cộng đồng hy sinh bớt một chút tiện ích cá nhân, tuân thủ các quy định về phòng dịch, “ai ở đâu ở yên đấy”, thực hiện nghiêm túc yêu cầu “5K” của Bộ Y tế để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.

 TRƯƠNG TÙNG

 
.
.
.