.

Nghĩa đồng bào

Cập nhật: 23:33, 29/07/2021 (GMT+7)
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Để phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, 19 tỉnh, thành phía Nam đã được Chính phủ đồng ý cho giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 19/7.
Giãn cách xã hội khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Người dân ở một số khu vực, nhất là khu phong tỏa thiếu hàng cục bộ, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng làm nhiều người lao động tự do bị mất việc, giảm việc dẫn đến mất thu nhập, giảm thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn. 
Trong bối cảnh đó, hình ảnh xúc động, thể hiện truyền thống “tương thân tương ái” lại xuất hiện khắp nơi theo chiều ngược lại và thuộc dạng “xưa nay hiếm”: đồng bào cả nước, từ miền xuôi đến miền núi, miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên không ai bảo ai đã đồng lòng gói bánh, làm chà bông, rang đậu phộng, làm mắm ruốc… gửi cùng những chuyến xe đầy ắp gạo, rau, củ, thịt, cá, trứng đến đồng bào miền Nam. Những món quà được người gửi ghi bên ngoài bằng những lời nhắn nhủ đầy yêu thương “Gửi yêu thương đến với đồng bào miền Nam”, “Món quà ân tình”… 
Hầu như năm nào, đồng bào các tỉnh miền Trung, miền núi cũng phải hứng chịu những trận mưa bão, lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, vật nuôi, thiệt hại rất lớn. Những lúc như vậy, đồng bào miền Nam nói riêng, cả nước nói chung đều gửi tiền, lương thực, thực phẩm, hàng hóa, đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ. Giờ đây, miền Nam gặp khó khăn bởi dịch bệnh, đồng bào cả nước không thể khoanh tay đứng nhìn. Người đọc không khỏi xúc động trước tin chị nông dân nghèo ở một tỉnh miền Trung chở con heo hơn 1 tạ - tài sản đáng giá nhất của gia đình - đến UBND xã nhờ gửi tặng đồng bào miền Nam để “đáp lại ân tình”. Con heo sau đó đã được địa phương mổ thịt làm chà bông, đóng gói cùng các món quà khác gửi tới đồng bào miền Nam. Đó còn là những cán bộ hưu trí góp lương hưu, là những em nhỏ đập heo đất, là những cán bộ, công chức, viên chức, là chị công nhân dù thuê trọ cũng sẵn sàng góp tiền cùng chính quyền, đoàn thể địa phương mua lương thực, thực phẩm, nông sản gửi tặng người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
Sự sẻ chia không chỉ đến từ bên ngoài mà còn thể hiện ở ngay tại vùng dịch, vùng bị phong tỏa. Chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đến tận nhà những gia đình khó khăn để tặng nhu yếu phẩm. ĐVTN, Hội phụ nữ thì “đi chợ hộ” cho những gia đình trong khu vực phong tỏa và khi tỉnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng xóm láng giềng thì “tối lửa tắt đèn có nhau”, sẵn sàng chia sẻ mớ rau, con cá để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hiếm có một đất nước, một dân tộc nào lại có tinh thần “tương thân tương ái” như ở đất nước ta. Lúc bình thường không sao, nhưng hễ nơi nào có sự cố thiên tai, dịch bệnh, đồng bào cả nước lại chung tay chi viện sức người, sức của, cùng nhà nước giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Truyền thống đó được hun đúc, lưu truyền qua lịch sử hàng ngàn năm và ngày càng dày thêm.
Dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, đời sống xã hội và được dự báo là còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm nhiều người dân bị ảnh hưởng, mất việc làm, mất thu nhập. Vì vậy, những món quà được các bà, các chị gói ghém gửi đến người dân vùng dịch càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng. Đó không chỉ là những gói quà bình thường mà còn đong đầy những yêu thương, chan chứa nghĩa đồng bào.
NGUYỄN ĐỨC
 
.
.
.