.

Dứt khoát không để người dân thiếu ăn!

Cập nhật: 00:22, 22/07/2021 (GMT+7)

Đó không chỉ là mệnh lệnh, là trách nhiệm mà còn là sự đồng cảm sâu sắc của người đứng đầu, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh trong phát biểu chỉ đạo phiên họp sáng 21/7. Cuộc họp bàn các giải pháp để BR-VT đi tiếp những bước vững vàng trong chiến dịch 14 ngày giãn cách xã hội, đẩy lùi dịch bệnh “phải đi vào điểm mấu chốt của những ngày tới và không thể không nhắc đến an nguy của người dân trên phương diện lương thực” như cách đặt vấn đề của Bí thư.

Trên thực tế, gạo – lương thực chính trong bữa ăn người Việt đã không còn là nỗi lo cách đây hơn 30 năm kể từ khi Việt Nam chính thức xuất khẩu gạo, năm 1989. Thực phẩm và các chủng loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày ở Việt Nam cũng được khách nước ngoài đánh giá là quá đủ đầy, phong phú. Song, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với biến chủng Delta đang thống trị toàn cầu thì việc giữ vững thành trì “cơm ăn, nước uống” cho mọi gia đình lại nằm ở một khía cạnh khác. Nó là vấn đề sống còn, là sự yên lòng của mọi người dân trong quyết tâm “đóng cửa ở trong nhà” để cùng chính quyền kiểm soát, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh. Chính vì vậy, chữ “thiếu” ở đây được hiểu, được soi rọi từ những hoàn cảnh, sự việc thực tế đang diễn ra tại các địa phương. Tỉnh BR-VT sẵn sàng nguồn cung ứng đủ về lượng, về loại các thành phần cần thiết cho bữa ăn đủ dinh dưỡng: gạo, thịt, cá, rau, trái cây... Điều đó được xác nhận qua các đợt đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ kiểm tra các trang trại nuôi trồng, các tổng kho hàng hóa của các siêu thị ngay từ những ngày chuẩn bị cho đợt giãn cách. Tỉnh BR-VT cũng dự liệu các phương án phân bố thời gian, số lần hợp lý để người dân ra khỏi nhà đi chợ trong an toàn dịch tễ tại siêu thị, chợ truyền thống. Tỉnh BR-VT cũng đã bổ sung phương thức giao dịch, mua bán online tránh những sự tiếp cận quá gần giữa người dân. Việc cung ứng từng gói rau, ký thịt, chai nước mắm đến từng khu phong tỏa với sự tiếp sức của lực lượng thanh niên tình nguyện, của các chị các mẹ trong nhóm “đi chợ dùm” mỗi ngày đều đặn trong những ngày giãn cách cũng đã được tính toán hết sức chu đáo. Cái sự “thiếu” tưởng chừng  nhờ vậy mà khó có thể xảy ra trong khoảng thời gian yêu cầu an toàn của giãn cách. Nhưng trong chiến lược “chấp nhận thua thiệt về kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe người dân”, câu chuyện người lao động thất nghiệp, người già neo đơn, người khuyết tật, người mưu sinh bằng đánh đổi sức lao động cho đồng lương trả theo ngày, theo tuần, theo ca của phụ hồ, người bốc vác; theo sản phẩm của nhân công bóc hạt điều, sơ chế hải sản; hay theo từng chuyến đi của lái xe đường dài, của nhóm bạn biển đi ghe… có khả năng “trắng tay” cũng là điều dễ hiểu. Ai sẽ là người ở bên cạnh hà hơi tiếp sức cho họ lúc này nếu không phải là chính quyền địa phương trong việc rà soát, nắm bắt và giúp đỡ kịp thời từng hoàn cảnh, từng gia đình? Và việc thực thi đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng chính là giải pháp hữu hiệu giúp giảm tối đa khả năng “thiếu ăn” trong những ngày sản xuất ngừng trệ. Bí thư Phạm Viết Thanh yêu cầu “không ai khác mà chính là các tổ dân phố, là những người láng giềng hãy quan tâm đến nhau, giúp đỡ nhau trong lúc gian khó”.

Trong lời đề nghị chung tay toàn xã hội bảo đảm an ninh lương thực cho toàn tỉnh trong những ngày giãn cách, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cũng nhấn mạnh đến việc tổ  chức tốt việc phân phối hàng cứu trợ cho người nghèo, người yếu thế trong những ngày dịch. “Gạo, rau, trái cây và các nhu yếu phẩm được những mạnh thường quân, các doanh nghiệp đóng góp về UBMTTQ các cấp hãy nhanh chóng đến với các bếp ăn tình thương, các tổ nhóm từ thiện, đến các nhà hàng sẵn sàng có sự góp công của những đầu bếp lành nghề để biến thành bát cơm, tô canh nóng ấm lòng người dân nghèo giữa tâm dịch”, ông nhắc nhở.

Bám sát thực tiễn và có cái nhìn thấu đáo trong giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn một cách hợp lý, kịp thời là một trong những tố chất quan trọng của người đứng đầu, quyết định thành bại trong điều hành xã hội. Giữ vững an ninh lương thực trong thời điểm này không chỉ là sự nhạy bén, linh hoạt của người cầm quân mà còn là sự thể hiện hết sức nhân văn của người đứng đầu, cũng chính là của Đảng bộ, chính quyền tỉnh BR-VT trong thực thi chính sách “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch của Chính phủ.

QUỐC THÁI

.
.
.