.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Cập nhật: 18:56, 23/07/2021 (GMT+7)

Từ ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XV được tiến hành trong sự trông đợi của cử tri cả nước. Đây là kỳ họp có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đặt nền móng cho hoạt động của QH toàn khóa, mà còn là nền móng cho hoạt động của bộ máy nhà nước với việc QH tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo cấp cao của QH và của Nhà nước.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở khu vực 19 tỉnh, thành phố phía Nam, với tinh thần khẩn trương nhưng vẫn bảo đảm hoàn thành các nội dung, chương trình nghị sự, các đại biểu QH dự các phiên họp đã thảo luận sôi nổi các vấn đề quan trọng về xây dựng thể chế, về phân bổ nguồn lực quốc gia, về giám sát tốt cao đối với hoạt động của bộ máy nhà nước để tiếp tục kiến tạo sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ những ưu tiên chiến lược của đất nước trong 5 năm tới với tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, ưu tiên hàng đầu của QH trong nhiệm kỳ khóa XV là nhanh chóng bắt tay vào việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương tại Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, là các vấn đề mới về chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược với tư duy và tầm nhìn nhìn mới. Đồng thời, QH tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hiện có, nhất là trong các lĩnh vực còn vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn hoặc đang tạo ra những điểm nghẽn, những rào cản đối với sự phát triển của đất nước. Trong đó, ưu tiên thực hiện các chương trình lập pháp và chương trình giám sát hàng năm của QH.

Những năm gần đây, cùng với quá trình đổi mới của hệ thống chính trị nước nhà, QH đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng. Hoạt động giám sát của QH, của Ủy ban Thường vụ QH, của các cơ quan, các đoàn đại biểu và các đại biểu QH ngày càng được quan tâm và tăng cường. Các hoạt động giám sát được mở rộng trên cơ sở chủ động xây dựng chương trình giám sát và tiến hành giám sát theo kế hoạch. Các đoàn đại biểu QH xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể và cùng với các cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp đã nghiêm túc thực hiện, giải quyết những vấn đề đời sống xã hội đặt ra. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả hoạt động giám sát đã đạt được, việc giám sát của QH, của các đoàn đại biểu QH vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể: Một số nội dung của giám sát chưa được tập trung cao như công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, chưa thực hiện thường xuyên công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn xảy ra tình tình trạng địa phương ban hành văn bản trái pháp luật. Việc giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; việc theo dõi, tiếp thu và giải quyết các kiến nghị chưa được chú trọng và đôn đốc đến cùng. Hoạt động chất vấn vẫn còn một số hạn chế như trong các kỳ họp, một số thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành chưa trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu chất vấn, việc trả lời mới chỉ tập trung vào thực trạng, chưa xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, bất cập.

Phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu của các khóa trước, Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; trong đó, chú trọng công tác giám sát và các hoạt động chất vấn. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi; chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.

HOÀNG LÊ

.
.
.