.

Đừng hoang mang

Cập nhật: 22:59, 09/07/2021 (GMT+7)

Từ cuối tháng 6 đến nay, tỉnh BR-VT đã ghi nhận 34 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, một số ca nhiễm là tiểu thương, thường lên các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh lấy hàng về bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Để phòng, chống dịch, từ trưa 3/7, TP. Vũng Tàu và một số địa phương đã quyết định tạm ngừng hoạt động các điểm buôn bán tự phát hoặc phong tỏa một số chợ đầu mối do có liên quan đến các ca bệnh COVID-19, nhằm phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành trong khu vực, trong đó có BR-VT đã áp dụng quy định người từ nơi khác vào địa phương phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 kể từ trưa 5/7; đồng thời lập các chốt kiểm soát người vào tỉnh. Những biện pháp mạnh mẽ với dịch bệnh đó đã phần nào khiến cho việc cung ứng hàng hóa ở một số thời điểm bị chậm trễ nhất định.

Do đã dự báo được tình hình nên ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương, UBND các huyện, thị, thành phố xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Nhiều kịch bản chuẩn bị hàng hóa tương ứng với từng cấp độ dịch bệnh đã được đặt ra. Trong đó, Sở Công thương và UBND các huyện, thị, thành phố đã làm việc với BQL chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ trên địa bàn, đề nghị chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa nhiều hơn thường ngày, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu, đồng thời tăng thêm thời gian mở cửa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, một bộ phận người dân đã nảy sinh tâm lý hoang mang, lo lắng dẫn đến tình trạng đổ xô đi mua hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mì gói, thịt, trứng, rau củ. Do vậy, một số cửa hàng, siêu thị đã xảy ra tình trạng hết hàng cục bộ, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Thực tế, do đã chuẩn bị nguồn hàng nên sau đó, các cửa hàng, siêu thị cung cấp đầy đủ hàng hóa lên kệ.

Tâm lý sợ khan hiếm hàng hóa thường xảy ra khi xã hội có những sự cố như thiên tai, dịch bệnh. Mỗi lần như vậy, một số người lo xa, vội đi mua gom các loại hàng hóa mà mình cho là cần thiết để dự trữ, dù giá đắt hơn ngày thường. Sau khi sự cố qua đi, những câu chuyện cười ra nước mắt lại được truyền tai nhau như chuyện gia đình nào đó mua tích trữ hàng chục lốc giấy vệ sinh, hàng tạ gạo, hàng chục thùng mì, hàng trăm trứng gà, vịt, dầu ăn, đường, sữa… nhưng không sử dụng hết, phải đem bán rẻ, đi cho hoặc thậm chí vứt bỏ vì quá hạn sử dụng.

Chính phủ, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương, lãnh đạo các địa phương và các siêu thị, cửa hàng luôn khẳng định có đủ hàng hóa thiết yếu để cung cấp cho nhân dân dùng trong thời gian ít nhất từ 1 tháng trở lên, bởi đã chuẩn bị các tình huống ứng phó với dịch bệnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhà hàng, quán ăn phải tạm dừng hoặc hạn chế quy mô hoạt động khiến nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản tại nhiều địa phương không thể tiêu thụ kịp, phải kêu gọi người dân hỗ trợ thu mua. Đó là lượng hàng hóa dồi dào, sẵn sàng cung ứng cho thị trường.

Mặt khác, với sự phổ biến của các hình thức bán hàng trực tuyến, khách hàng chỉ cần vài thao tác là đã có thể mua được những món hàng thiết yếu và được giao tận nhà, vừa tránh được việc tập trung đông người, giảm bớt nguy cơ lây bệnh, vừa mua được đúng giá. Vậy thì không có lý do gì để tích trữ hàng hóa, vừa gây nên tình trạng khan hiếm giả tạo, vừa tạo nên tâm lý lo lắng, gây bất ổn xã hội.

Việc cần làm lúc này của mỗi người dân là hãy bình tĩnh, không hoang mang, tích cực hợp tác với chính quyền, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cùng chính quyền sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.