Vết thương khó lành
Những ngày qua, thông tin hơn 4ha đất trên núi Thị Vải (phường Tân Phước và phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ), trong đó có gần 1,7ha rừng phòng hộ bị hủy hoại khiến nhiều người đau lòng và phẫn nộ. Vụ án đã được Công an TX. Phú Mỹ khởi tố và đang trong quá trình điều tra. Rồi đây, những người vi phạm sẽ được tìm ra và nhận hình phạt thích đáng, nhưng hậu quả để lại là những vết nham nhở trên núi Thị Vải có lẽ chẳng bao giờ xóa mờ được.
Có mặt tại hiện trường ngay từ những ngày đầu vụ việc được phát hiện, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi một góc núi phủ màu xanh bạt ngàn của cỏ cây, giờ đây lộ ra đất đá như vết thương hằn sâu. Len lỏi giữa núi rừng ấy là những đường ống nước được dẫn từ dưới lên, là những chiếc máy cày, máy khoan đang hoạt động ầm ĩ. Giữa đó là đất, đá và 2 cái hố sâu, mỗi hố rộng hơn 200m2. Hàng chục ngàn viên đá đã được chẻ vuông vức và xếp tầng lớp ngay ngắn. Một số tảng đá lớn đã được xẻ, đẽo gọt để tạo cảnh quan.
Để hủy hoại hơn 4ha núi như vậy, thời gian không thể chỉ tính bằng một vài ngày mà là cả một quá trình dài. Vậy nhưng vì sao không ai biết? Chỉ đến khi những thước phim từ máy quay flycam của đồng nghiệp chúng tôi cảnh báo đến cơ quan chức năng thì sự việc mới vỡ lở. Từ trên cao nhìn xuống, có thể thấy rõ ngọn núi như mang vết thương sâu, với hai bên là rừng lá xanh tốt, ở giữa là màu đỏ của đất, lốm đốm trắng của đá.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định có hoạt động đào bới, san gạt, kè đá, tạo hồ trên 6 thửa đất, trong đó gần 1,7ha nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ. Diện tích này UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho BQL rừng phòng hộ. Cơ quan chức năng cũng xác định thửa đất rừng phòng hộ trên đã được BQL rừng phòng hộ tỉnh hợp đồng khoán bảo vệ rừng trồng, giao khoán 7,3ha cho 1 cá nhân tại phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ. Hiện trạng khi bàn giao trên đất có rừng trồng từ năm 1997 bằng vốn ngân sách khoảng 500 cây muồng/ha, 800 cây tràm bông vàng/ha. Năm 2009, từ nguồn vốn ngân sách, khu vực này được trồng bổ sung cây gỗ đỏ, mật độ 250 cây/ha…
BR-VT có 33 ngàn ha rừng. Rừng không những là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội mà còn giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng, như lá phổi xanh trong quá trình điều hòa khí hậu, duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, ngăn chặn xói mòn đất, làm giảm nhẹ sức tàn phá khốc liệt của thiên tai, bảo tồn nguồn nước mặt và nước ngầm, làm giảm mức ô nhiễm không khí và nước… nên rất cần được bảo vệ và phát triển.
Bên cạnh những tác động của biến đổi khí hậu, những diễn biến phức tạp của thời tiết, một trong những nguyên nhân gây ra những cơn lũ quét, sạt lở nghiêm trọng hay sự nóng lên toàn cầu trong thời gian qua còn có nguyên nhân từ nạn phá rừng, hủy hoại đất trên núi.
Để bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý rừng bền vững. Trong đó, phải thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm phá rừng; xử lý dứt điểm các vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng, sử dụng đất rừng sai mục đích, tháo dỡ ngay công trình xây dựng trái pháp luật trên đất rừng… khi mới phát sinh.
Nhưng điều quan trọng hơn, việc bảo vệ rừng phải được thực hiện một cách chủ động, nghĩa là phải ngăn chặn ngay từ đầu, không để xảy ra nạn phá rừng, không nên để việc phá rừng thành “chuyện đã rồi”. Như vụ việc hủy hoại rừng trên núi Thị Vải, dù cơ quan chức năng có điều tra, làm rõ, yêu cầu người vi phạm khôi phục hiện trạng, thậm chí là xử phạt, thu hồi đất nhưng sẽ thật khó để rừng và núi trở lại được như ban đầu, khi những vết sẹo đã ăn sâu vào núi.
QUANG VŨ