Giữ an toàn cho chợ truyền thống
BR-VT đã có những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng. Những lời cảnh báo dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào không còn là chuyện lo xa mà đã là thực tế.
Những ngày qua, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh BR-VT đã triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Một trong những nơi “xung yếu” được các ngành, địa phương chú trọng nâng cấp độ phòng chống dịch là các chợ truyền thống, chợ tự phát trên địa bàn…
Ngoài việc phong tỏa, điều tra dịch tễ, phun khử khuẩn các chợ truyền thống có ca nhiễm liên quan đến chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) để truy vết sàng lọc, dập dịch kịp thời, lãnh đạo tỉnh quyết định bắt đầu từ 12 giờ ngày 3/7 tạm dừng hoạt động một số chợ tự phát. Những ngày tới, các địa phương sẽ xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn.
Kể từ 12 giờ ngày 3/7, TP. Vũng Tàu cũng đã dừng hoạt động 12 chợ tự phát. Chủ tịch UBND các xã, phường được giao nhiệm vụ phối hợp với BQL các chợ sắp xếp, bố trí cho các hộ dân có nhu cầu buôn bán vào các chợ trên địa bàn quản lý. BQL các chợ có trách nhiệm quản lý chặt chẽ tiểu thương và người ra vào chợ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ “5K”, cài đặt Bluezone, Ncovi, mã QR-Code... Trường hợp không có thiết bị thông minh phải khai báo y tế thủ công. Trưởng BQL các chợ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố nếu tiểu thương không chấp hành quy định phòng dịch.
Ai cũng biết nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các chợ truyền thống là rất cao. Đặc điểm chợ truyền thống là không gian mở, lượng người đến mua bán đông, trong đó nhiều người có lịch trình di chuyển phức tạp, môi trường ẩm thấp; chỉ cần xuất hiện một ca nhiễm COVID-19, việc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát số người tiếp xúc, liên quan sẽ rất nhiều khó khăn...
Từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, mối lo về nguy cơ xuất hiện ca F0 hoặc liên quan F0 tại chợ truyền thống luôn được đặt ra. Không chỉ BR-VT mà nhiều địa phương trong cả nước đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp với quyết tâm không để dịch “tràn vào” các chợ truyền thống. Có thời điểm, một số địa phương đã quyết định dừng hoạt động một số chợ đầu mối, chợ tự phát do phát sinh nhiều ca nhiễm hoặc không bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch là vì thế.
Dư luận đồng tình với việc chính quyền địa phương, lực lượng chức năng “đóng cửa” các chợ tự phát, nâng cấp độ phòng dịch tại các chợ truyền thống. Động thái đó là hết sức kịp thời và cần thiết khi mà những ca nhiễm COVID-19 từ địa phương khác đã thâm nhập vào một số chợ truyền thống trên địa bàn. BQL nhiều chợ cũng đã chủ động có những giải pháp phòng chống dịch rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn từ Tết Nguyên đán 2021 cho đến nay, bằng nguồn kinh phí tự có, BQL chợ Vũng Tàu đã thường xuyên phun khử khuẩn chợ, tạo tâm lý an tâm cho bà con tiểu thương và người đi chợ. Tất nhiên, các nhiệm vu chính như lập chốt kiểm soát tại các cổng ra vào, tổ chức đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế cho người ra vào chợ, nhắc nhở, hướng dẫn tiểu thương và người đi chợ nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, vẫn được BQL chợ Vũng Tàu thực hiện mỗi ngày.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các chợ truyền thống với những chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện những ngày gần đây. Thực trạng đó đòi hỏi các địa phương, BQL các chợ nâng cao trách nhiệm, triển khai các biện pháp phòng dịch linh hoạt, có hiệu quả. Tùy theo tình hình, mức độ diễn biến của dịch mà BQL các chợ tính toán, triển khai phương án phù hợp như tăng cường kiểm tra việc khai báo y tế bằng mã QR-Code, phát phiếu đi chợ để hạn chế người vào, tổ chức cho tiểu thương buôn bán theo hình thức luân phiên hoặc theo ngày chẵn, lẻ v.v…
Chợ truyền thống không chỉ là “đầu ra” cho các loại hàng hóa mà đằng sau nó còn là cuộc sống của một bộ phận người dân. Sạp hàng, chiếc xe đẩy nào cũng nặng nỗi lo toan của chị tiểu thương, người lao động. Tuy nhiên, vì sự an toàn của cộng đồng, chúng ta phải “cắn răng chịu đựng”, cần thiết phải “cấm chợ” (chữ dùng của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình), nếu không khéo sẽ mất kiểm soát.
Giữ an toàn cho chợ truyền thống trước sự “tấn công” của dịch COVID-19 sẽ giúp duy trì tốt chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra. Người dân sẽ yên tâm ra chợ và tiểu thương được buôn bán trở lại bình thường.
TRƯƠNG TÙNG