Viết tiếp trang sử
Từ miền quê Nghệ An vào ấp Nghi Lộc (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) lập nghiệp hơn 20 năm qua, ông Hoàng Minh Văn không giấu nổi niềm vui khi nói về cuộc sống của gia đình mình hôm nay. “Trước đây, đường giao thông của xã tệ lắm, mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa lại sinh lầy. Vào vụ thu hoạch điều, cà phê quá vất vả vì phải chở ra chợ Ngãi Giao nhập hàng cho thương lái. Giờ thì khác rồi, đường giao thông, trường học, trạm y tế… được xây mới khang trang, bề thế. Nông sản làm ra thương lái đến tận nơi thu mua. Cuộc sống như bước sang một trang mới tươi đẹp hơn”.
Niềm vui của ông Văn cũng là cảm xúc của nhiều người dân sinh sống tại nơi từng là vành đai ấp chiến lược với những năm tháng vô cùng khốc liệt của chiến tranh. Bình Giã cũng là nơi mở màn cho chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 thắng lợi. Cùng với chiến dịch Ba Gia, Đồng Xoài, chiến thắng Bình Giã đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh đặc biệt, giúp quân dân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30/4/1975 lịch sử.
Hôm nay, Bình Giã đã khoác cho mình một màu áo mới, khang trang và hiện đại hơn. Đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Bình Giã cũng từng bước hoàn thiện hạ tầng, sản xuất theo hướng tập trung, khai thác đúng lợi thế địa phương với tôn chỉ mục đích cuối cùng là kinh tế nông thôn phát triển, tạo ra được cuộc sống tốt hơn, chất lượng hơn cho người dân.
Nhưng không chỉ có Bình Giã, những ai đã từng có thời gian sống và làm việc tại BR-VT kể từ sau năm 1975 đến nay đều khẳng định, không đâu phát triển nhanh và mạnh như nơi đây. Những địa phương vốn là căn cứ cách mạng xưa kia như Hắc Dịch (Phú Mỹ); Long Phước, Hòa Long (TP. Bà Rịa); Phước Hải (Đất Đỏ)… đang “thay da đổi thịt” từng ngày.
Bằng sự lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân đã đưa BR-VT phát triển, trở thành một mắt xích quan trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thể hiện được vai trò quan trọng về kinh tế và xã hội đối với cả khu vực. Ngoài dầu khí, nơi đây còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước với Trung tâm điện lực Phú Mỹ và Nhà máy điện Bà Rịa chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước. Cùng với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, kết nối thị trường, dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên và xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược, BR-VT đang từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng, từ chỗ nặng về khai thác tài nguyên sang phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao.
Bằng định hướng chiến lược đúng đắn, qua nhiều giai đoạn tỉnh cũng đã gặt hái nhiều kết quả đáng mừng không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn trên các lĩnh vực văn hóa xã hội. Kinh tế phát triển, chính sách xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Sau 30 năm thành lập, từ thu nhập bình quân đầu người không tính dầu khí khoảng 450USD/năm đến nay đã tăng lên gần 6.800USD/năm, luôn là tỉnh đứng trong top đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người
46 năm sau chiến tranh, tiếp nối truyền thống vẻ vang, BR-VT hôm nay đã viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc để xây dựng tỉnh ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, luôn hướng tới mục tiêu trở thành nơi hạnh phúc, đáng sống bậc nhất ở Việt Nam.
NGÔ GIA