.

"Sống xanh" không chỉ là trào lưu

Cập nhật: 21:45, 11/01/2021 (GMT+7)

“Home” – tựa đề một bộ phim tài liệu khoa học về trái đất, dài hơn 1,5 tiếng đồng hồ, được 88.000 người trên khắp địa cầu cùng góp sức thực hiện, đã tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Bộ phim do Trường ĐH Mở TP.Hồ Chí Minh thuyết minh, lồng tiếng Việt đã thực sự gây ấn tượng mạnh, nhất là với những người có trách nhiệm với “nhà – trái đất”. 

“Sự sống – một phép màu của vũ trụ đã xuất hiện từ khoảng 4 tỷ năm trước. Loài người mới chỉ xuất hiện cách đây chừng 200 ngàn năm, thế mà trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, chúng ta đã quá thành công trong việc đảo lộn sự cân bằng vô cùng thiết yếu của sự sống trên trái đất…”. Đó là những lời mở đầu cho bộ phim khoa học vô cùng công phu nhằm chỉ rõ ra quá trình phá hủy trái đất của loài người như thế nào, từ việc sử dụng nước không hợp lý, tàn phá tài nguyên thiên nhiên, đến lạm dụng hóa chất, xả thải bừa bãi ra môi trường... của loài sinh vật thông minh nhất trên trái đất. Bộ phim muốn cảnh báo rằng, chính con người, trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ trong vòng 200 ngàn năm, đang dần “bóp chết” sự sống và phá nát “nhà” của mình - trái đất.  

Không cần phải kể thêm quá nhiều về bộ phim khi mà trên thực tế, mẹ thiên nhiên ngày cành đưa ra những “cảnh báo” và “giận dữ” nhiều hơn. Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… xuất phát từ sự phá vỡ sự cân bằng của sự sống mà tác nhân chính lại là con người. 

Không phải bây giờ, mà từ rất lâu, “sống xanh” đã trở thành một đề tài được quan tâm đặc biệt, bởi đó là lối sống giúp duy trì các giá trị cho một cuộc sống bền vững và lành mạnh, không tác động xấu đến chuỗi tuần hoàn của sự sống. Câu chuyện sống xanh, thân thiện với môi trường ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và đã trở thành lời kêu gọi cấp thiết của các nhà khoa học, chính quyền các nước trên toàn cầu. Và đó buộc phải là xu hướng của thời đại để bảo vệ trái đất, “Home” của chúng ta. 

Còn nhớ, cuối năm 2019, một trào lưu khá ấn tượng của giới trẻ có tên gọi “Thách thức để thay đổi” đã được lan truyền rầm rộ trên toàn cầu và cả ở Việt Nam với việc tham gia dọn rác thải, làm sạch khu dân cư, địa điểm du lịch, bờ biển, các dòng kênh… Trào lưu này được nhiều bạn trẻ đón nhận và cùng thực hiện ở nhiều địa điểm khác nhau, kể cả ở BR-VT với sự vào cuộc của thanh niên trên khắp các địa bàn trong tỉnh. 

“Thách thức để thay đổi” là một trào lưu mà lúc khởi đầu chỉ dừng lại ở hành động “dọn rác – checkin”, đã thực sự chạm đến trái tim của cộng đồng và dần lan tỏa sang những hành động bảo vệ môi trường khác. Những hành động đó không còn là “hot – trend” của giới trẻ mà là nhiệm vụ của mỗi người, mỗi cấp chính quyền và cả cộng đồng. Trong đó có cả việc trồng cây gây rừng, nói không với rác thải nhựa, hay bảo vệ biển để sạch hơn… 

Người viết bài này từng chứng kiến, một bạn trẻ đã bỏ qua hai ngày cuối tuần để chọn lựa những lá chuối khô trên rẫy nhà mình để sử dụng làm bọc các cuộn hàng trước khi đóng thùng chuyển đi cho khách. Trước đó, bạn sử dụng túi nilon để gói hàng. Bạn nói rằng, việc sử dụng lá chuối hay bẹ cau, lá sen,… tuy mất nhiều thời gian nhưng lại hữu ích vì thân thiện với môi trường. “Mình làm nông trại hữu cơ, tạo ra sản phẩm nói không với hóa chất, cố gắng “thuận tự nhiên” nhất để bảo vệ môi trường, vậy tại sao mình không làm việc đó ngay từ khâu nhỏ nhất là vật liệu gói hàng cũng phải hữu cơ?”. 

Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ, trong vô số những hành vi có ý thức bảo vệ môi trường cần được nhân rộng, kể cả việc các chị, các mẹ đã “quay trở về với ngày hôm xưa” khi sử dụng túi/làn cói để đi chợ…

Trong Phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị. Thủ tướng khẳng định, việc trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 cũng là hướng đến thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trồng cây gây rừng và làm cho hoạt động đó trở nên thực chất hơn nữa. 

“Sống xanh” cần phải được nhân rộng, không chỉ là trào lưu mà phải là thói quen của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng. Mỗi ngày đều duy trì từng hành động nhỏ như tiết kiệm nước, tắt điện khi không cần thiết, trồng cây xanh ở nhà, nơi làm việc, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần… để những hành động ấy trở thành thói quen có điều kiện là đã góp phần làm cho trái đất sạch hơn, xanh hơn và khỏe mạnh hơn. 

THẢO TRẦN

 
.
.
.