Đừng tạo nên nếp làm việc bởi cái phong bì…
Nhà ở tận vùng xa, nhưng do bạn giới thiệu và tín nhiệm bác sĩ giỏi về lão khoa, anh H. lọ mọ đưa mẹ già đã ngoài 80 tuổi đến bốc số từ 5h30 chiều, nhưng số thứ tự vẫn là 15. Hôm ấy, do có việc đột xuất, bác sĩ trễ giờ khám 1 tiếng theo như thông lệ, 7h tối mới tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên.
Bác sĩ vốn cẩn thận, vừa khám vừa tư vấn, phải mất tầm 10 đến 15 phút, thậm chí là lâu hơn cho 1 bệnh nhân. Trong khi đó, hầu hết bệnh nhân chờ khám là người cao tuổi.
Chị trợ tá bác sĩ đi qua đi lại nhắc nhở bệnh nhân và người nhà ngồi đúng chỗ quy định, giữ trật tự. Anh H. nhấp nha, nhấp nhổm, nhà thì xa, cách phòng mạch bác sĩ tận 60km, nếu chờ đến lượt khám chắc phải khuya mới về tới nhà, mẹ anh lại còn chưa ăn tối. Anh tiến đến gần chị trợ tá, kéo áo chị vào góc khuất, trình bày hoàn cảnh và kèm theo một cái phong bì để nhờ chị ưu tiên cho mẹ anh vào khám trước. Và anh H. khá bất ngờ khi chị trợ tá kiên quyết trả lại cái phong bì, chị vào gặp bác sĩ nêu rõ lý do và đề nghị ưu tiên khám cho người ở xa…
Bác sĩ chủ cơ sở khám tư nhân ấy là một bác sĩ có tiếng, làm ở bệnh viện tuyến tỉnh. Khi biết chuyện “cái phong bì” diễn ra ở ngay cửa phòng mạch của mình đã gặp riêng anh H. để giải thích cho anh hiểu, đừng bao giờ tạo thói quen xấu cho mình hay người khác. Bác sĩ còn khẳng định rằng, không chỉ ở phòng mạch tư của mình mà ngay cả ở bệnh viện công, cũng đừng hành xử bằng “cái phong bì”, như vậy là thiếu tôn trọng người khác và hạ thấp giá trị của bản thân mình.
Vâng, một vài cái phong bì để “nhanh được việc” tưởng như không có gì lớn lao, nhưng có thể dần tạo nên “nếp làm việc xấu” ở bất cứ đâu.
Còn một người quen của tôi, đã hào hứng kể chuyện và không hết lời khen ngợi khi gặp chuyện vướng mắc trong thủ tục hành chính, sau khi được giải quyết xong đã tìm đến phòng làm việc của trưởng bộ phận ấy để gửi quà cảm ơn. Chị đã rất sửng sốt khi “bị” trả lại quà bằng mọi giá từ vị thủ trưởng ấy. Chị nói rằng, bỗng dưng cảm thấy rất vui, khó diễn tả khi có cán bộ không nhận quà cáp từ dân. Bởi lâu nay, chị vẫn nghĩ, ở đâu cũng phải có cái phong bì thì mới “chạy” việc. Vị cán bộ ấy còn cho biết, trách nhiệm của cơ quan công quyền là phục vụ dân, mỗi vị trí việc làm đều đã được trả công xứng đáng, chứ không phải dân đến xin để cho, vì vậy không việc gì phải cảm ơn bằng vật chất hay tiền bạc. Nếp nghĩ ấy cần phải thay đổi để không làm hư cán bộ và cũng là tôn trọng chính bản thân mình.
Câu chuyện cái phong bì không phải là mới, trong năm vừa qua, một số cán bộ, thậm chí là chuyên ngành thanh tra ở một số tỉnh, thành đã phải ra hầu tòa, “thân bại danh liệt” do “cái phong bì” trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Cuối năm, việc biếu quà cáp lại càng trở nên nhạy cảm. Trên thực tế, truyền thống tặng quà vào dịp lễ, tết nhằm thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn là đáng quý, nhưng không vì thế mà lạm dụng, biến tướng thành đút lót, chạy chức chạy quyền hoặc mục đích khác, không trong sáng. Chính vì vậy, những dịp này hàng năm, Thủ tướng Chính phủ thường có chỉ thị nhằm chỉ đạo việc nghiêm cấm tặng quà cáp, biếu xén cấp trên dưới mọi hình thức.
Mới đây nhất, ngày 21/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 44 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm cũng đã nêu rõ: Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Đối với cán bộ, phải rèn giũa bản thân, tuyệt đối không vi phạm quy định, trong đó có quy định về văn hóa công sở, còn đối với người dân, phải bỏ tư duy “xin - cho” khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan công quyền.
THẢO TRẦN