Số hóa sẽ giảm xét nghiệm "thừa"
Được chuyển viện lên tuyến trên với kết luận theo dõi u phổi do kết quả chụp cắt lớp (CT Scanner) có hình ảnh bất thường ở phổi (xơ hóa, rải rác nhu mô phổi hai bên, nhiều hạch kích thước nhỏ cạnh khí quản…), bệnh nhân N. khá bối rối và đầy lo lắng.
Chưa tới 3h sáng, bệnh nhân N. đã bắt xe lên tới bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh, xếp hàng, lấy số và chờ đến giờ khám bệnh.
8h30 sáng, bác sĩ có chỉ định chụp CT Scanner, bệnh nhân cho biết vừa được bệnh viện tỉnh thực hiện xét nghiệm này cách có vài hôm trước. Tuy nhiên, khi bác sĩ hỏi kết quả chiếu chụp đâu, thì bệnh nhân đành chịu thua, vì bệnh viện không trả kết quả chụp chiếu cho bệnh nhân mà chỉ ghi tóm tắt bệnh án trong giấy giới thiệu chuyển viện.
Lâu nay, nhiều bệnh nhân vẫn phản ánh tình trạng vừa được xét nghiệm ở tuyến dưới, khi lên tuyến trên lại được chỉ định xét nghiệm lại. Như vậy liệu có lãng phí cho bệnh nhân (nếu là đối tượng tự chi trả) và quỹ BHYT (nếu là đối tượng có thẻ BHYT). Trong khi đó, nếu các bệnh viện được kết nối với nhau (thông qua số hóa) thì chắc chắn rằng, sẽ không có những chỉ định được coi là “dư thừa” kể trên. Tất nhiên rằng, trừ trường hợp những chỉ định xét nghiệm dù lặp lại nhưng là cần thiết cho bệnh nhân vì những lý do khác.
Trên thực tế, ngành y tế là một trong số những ngành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin khá sớm và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan. Tại BR-VT, bệnh viện tuyến tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính. Trong đó có việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, mọi thông tin của bệnh nhân đều được lưu giữ trên hệ thống “đám mây nội bộ” và mọi khoa, phòng có thể xem “trực tuyến” mà không cần thiết phải chuyển hình ảnh bằng giấy tờ như cách truyền thống. Thậm chí, bệnh viện tuyến tỉnh hiện đang từng bước xây dựng “bệnh viện thông minh” với việc tiến hành số hóa mọi khâu trong quản lý điều trị bệnh nhân và quản trị bệnh viện để tiến tới chuyển đổi số. Vậy nhưng, các ứng dụng trên chưa thực sự “thông tuyến” giữa các bệnh viện mà gần như mới chỉ khu trú nội bộ, hoặc chỉ “thông” ở tuyến dưới.
Chuyển đổi số, có vẻ đơn giản, nhưng thực chất không quá dễ dàng nếu không có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng, chuyển đổi số là cái đích buộc phải tiến tới của các đơn vị y tế đã được xây dựng lộ trình tại Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 của Bộ Y tế. Đề án cũng nhằm hòa vào chuyển đổi số quốc gia trên mọi lĩnh vực.
Năm 2020 được coi là năm đầy thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cũng lại mở ra cơ hội mới, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế “giao tiếp trực tiếp” mà thay thế bằng “giao tiếp trực tuyến”. Với ứng dụng số, đã có hơn 14 tỷ tin nhắn khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 được “phủ sóng” khắp toàn dân. Ứng dụng Blue zone cũng khẳng định thêm về tiện ích ngoài mong đợi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ đầu năm 2020, Bộ đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh nhanh chóng tiến hành số hóa và tiến tới chuyển đổi số, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin của cả nước cùng vào cuộc.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn. Điển hình như mạng kết nối y tế Việt Nam, nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở kết nối dữ liệu gần 12 ngàn trạm y tế trên toàn quốc, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và nhiều ứng dụng thiết thực khác với mục tiêu hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.
Chuyển đổi số - một trong những giải pháp nhằm tiết kiệm nhiều chi phí tiền bạc, tiết kiệm thời gian của cả bác sĩ và bệnh nhân. Chuyển đổi số cũng sẽ làm giảm bớt những phiền hà, sách nhiễu phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh giữa bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế. Vì vậy, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là việc cần kíp của Bộ Y tế đối với mọi cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước.
THẢO TRẦN