Nghĩ về muối Bà Rịa
Lần đầu tiên tôi để ý đến gói muối gia đình mình đang dùng là có nguồn gốc xuất xứ từ… Thanh Hóa và thực sự hết sức ngạc nhiên. Sau đó thì tôi đọc kỹ hơn, những thông tin được ghi bên ngoài bao bì rất rõ ràng, chỉ số về các thành phần, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc… Gói muối có trọng lượng 250g có giá bán 5.000 đồng, tôi vẫn hay mua tại siêu thị gần nhà. Nhiều ngày sau, tôi thử làm một cuộc khảo sát, là đi hết tất cả các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, siêu thị mini… chung quanh nơi tôi ở thì các sản phẩm muối được bày bán vẫn đến từ nhiều địa phương khác như Bạc Liêu, Khánh Hòa...
Nói như vậy để giải thích cho sự ngạc nhiên của tôi, bởi lẽ BR-VT là địa phương có thế mạnh nghề truyền thống sản xuất muối với hơn 160 năm hình thành và phát triển, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và có thương hiệu muối Bà Rịa. Có nghĩa là, các điều kiện cần để phát triển nghề muối đã có. Ngoài ra, theo các nhà thùng của Hội chế biến nước mắm truyền thống Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), hiện nay hầu hết các cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn huyện Phú Quốc đều sử dụng muối sản xuất tại BR-VT trong quá trình chế biến nước mắm. Các nhà thùng cũng coi hạt muối BR-VT là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc.
Để xác lập cơ sở khoa học cho việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho muối Bà Rịa, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh, đánh giá sản vật này với các loại muối được sản xuất tại Ninh Thuận và Khánh Hòa. Một trong những tiêu chí đầu tiên để xem xét chất lượng muối là hàm lượng chất không tan. Muối có thành phần tạp chất càng cao thì hàm lượng phần trăm NaCl càng thấp và ngược lại. Kết quả cho thấy, muối BR-VT có hàm lượng chất không tan đạt 0,14%, thấp hơn so với muối Ninh Thuận và Khánh Hòa lần lượt là 4 và 2 lần. Khi so sánh với TCVN 9638:2013 thì muối Bà Rịa thấp hơn 3 lần so với tiêu chuẩn tối đa cho phép. Về độ ẩm, muối BR-VT có giá trị 4,64%, thấp hơn từ 0,89% - 1,08% so với muối Ninh Thuận là 5,27% và Khánh Hòa là 5,53%. Trong khi đó, hàm lượng Mg2+ là có ý nghĩa quyết định đến vị của muối. Muối có nhiều hợp chất của Mg2+ sẽ có vị đắng, chát khó chịu và dễ hút ẩm. Hàm lượng Mg2+ trong muối Bà Rịa truyền thống là 0,2%, thấp hơn 3,5 lần so với TCVN 9638:2013. Hàm lượng này cũng thấp hơn so với muối Ninh Thuận và Khánh Hòa lần lượt là 2,4 và 1,5 lần. Muối Bà Rịa cũng không có vị đắng, chát. Những so sánh về mặt chỉ số thành phần các chất giữa muối BR-VT, muối Khánh Hòa và Ninh Thuận đã phần nào cho thấy tương quan chất lượng của muối BR-VT. Nhờ vị ngon đặc biệt như vậy, muối BR-VT đã được các nhà thùng ở Phú Quốc lựa chọn để tạo ra thương hiệu nước mắm Phú Quốc trứ danh.
Dẫn chứng nêu trên để thấy rằng, dù chất lượng muối tại BR-VT được đánh giá là cao hơn so với các địa phương khác, tuy nhiên thực tế lâu nay, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn thường xuyên diễn ra. Hàng trăm ngàn tấn muối ùn ứ do không tiêu thụ được, chất đầy trong kho. Diêm dân vẫn chưa thể làm giàu với nghề truyền thống này. Vẫn chưa có nhiều người tiêu dùng biết đến thương hiệu muối Bà Rịa. Muối Bà Rịa vẫn chưa có mặt trên các kệ hàng của siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa trên địa bàn tỉnh.
Vậy nguyên nhân là gì? Theo các cơ quan chức năng, muối của BR-VT tiêu thụ chậm là do chưa đa dạng về chủng loại sản phẩm. Muối của diêm dân sản xuất ra chủ yếu là muối thô phục vụ cho đánh bắt thủy, hải sản, chế biến mắm… Lượng muối qua chế biến thấp. Không có sản phẩm muối đủ tiêu chuẩn cung cấp cho ngành công nghiệp hóa chất. Việc liên kết sản xuất từ diêm dân đến DN đến tiêu thụ còn yếu kém. Do đó, để phát triển thương hiệu muối Bà Rịa, cần có sự trợ lực từ các DN, Nhà nước trong việc chuyển giao các mô hình sản xuất muối ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm sạch, có thể phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư đầu tư công nghệ chế biến sâu sản phẩm tinh chế, chế biến; xây dựng chuỗi liên kết nhằm bảo đảm giá cả và đầu ra bền vững cho diêm dân.
NGÔ GIA