Để pháp luật đi vào cuộc sống
Sau 7 năm được ban hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật và ảnh hưởng đến hiệu quả của xử lý vi phạm hành chính.
Dư luận đã từng “dậy sóng” với một loạt các vụ việc “cưỡng hôn trong thang máy”, “biến thái, thủ dâm trên xe buýt”, “3 lần sờ ngực phụ nữ trên xe buýt”… Tất cả các “thủ phạm” đều chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính 200 ngàn đồng về hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Dư luận bức xúc, nạn nhân của các vụ “quấy rối” tỏ thái độ không đồng tình về mức phạt, mong muốn pháp luật có hình phạt thích đáng hơn trong khi cơ quan xử phạt thì giải thích “luật quy định sao thì chúng ta phải chịu vậy, vì không có cơ sở để xử phạt nặng hơn”.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận các vụ xử phạt “thực sự là một câu chuyện bi hài”. Mức xử phạt như đùa ấy cũng đã từng “lên báo” của Anh với cái tít ấn tượng “Tấn công tình dục = 8, 41 USD”.
Tuần rồi, “niềm cay đắng 200 ngàn đồng” lại được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc lại khi thảo luận về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Các đại biểu nêu quan điểm cần tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hành vi xâm hại, quấy rối phụ nữ, trẻ em.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn, đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội như quấy rối, xâm hại, sàm sỡ phụ nữ và trẻ em nơi công cộng… Dự thảo Luật quy định có mức phạt từ 30-40 triệu đồng, nhưng trong thực tế hiện nay hành vi đó vẫn chỉ xử phạt 200 ngàn đồng. “Cần phải xem xét và xử lý ngay những tồn tại bất hợp lý này”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng nhìn nhận, hành vi sàm sỡ trong thang máy mà hiện nay quy định mức phạt 200 ngàn đồng là không phù hợp. Do vậy Nghị định của Chính phủ cần được rà soát lại để có quy định một mức phạt phù hợp hơn trong khung phạt 40 triệu đồng đã được quy định đối với lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội.
Chắc chắn rồi đây cơ quan chức năng sẽ xem xét, bổ sung quy định các hành vi quấy rối, xâm hại, sàm sỡ phụ nữ và trẻ em nơi công cộng cùng với mức chế tài tương xứng với hành vi vi phạm để tránh việc nhờn luật, coi luật có như không.
Trên thực tế, không chỉ có Luật XLVPHC mà nhiều luật khác hiện vẫn còn rất nhiều quy định thiếu tính thực tiễn, không có hiệu quả thực thi trong cuộc sống, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật. Các quy định bất hợp lý ấy bao trùm ở hầu hết khu vực, ngành nghề. Chính vì vậy, dư luận tỏ thái độ bức xúc trước những văn bản pháp luật có các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn hoặc gây nhiều hệ lụy cho người dân cũng là điều dễ hiểu. Người dân đòi hỏi các văn bản pháp luật - nhất là các nghị định, thông tư phải phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn, chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành.
Chất lượng văn bản pháp luật phụ thuộc chủ yếu vào quy trình làm luật, trong đó tư duy chính sách, năng lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của cán bộ xây dựng luật đóng vai trò quan trọng. Để luật mang tính khả thi cao, đội ngũ xây dựng luật phải bám sát thực tiễn cuộc sống, tuân thủ quy trình xây dựng và thẩm định văn bản để kịp thời chỉnh sửa, loại bỏ các quy định không phù hợp thực tiễn. Mặt khác, sự giám sát của người dân, các tổ chức xã hội cần được đề cao. Người dân phải được tham gia sâu rộng trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, nhất là việc góp ý xây dựng điều chỉnh luật hoặc góp ý, phản ánh những bất cập của văn bản luật.
Tuân thủ các quy trình đó, các dự án luật sẽ có sức sống hơn, tính khả thi cao hơn; Sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự ra đời của những qui định lỗi thời, bất hợp lý, chẳng ăn nhập gì, thậm chí còn đối nghịch với các xu thế, yêu cầu của cuộc sống.
NGUYỄN HƯNG NHƠN