.

Truyền thông nhiều hơn về phòng, chống thiên tai

Cập nhật: 16:37, 18/10/2020 (GMT+7)

Những đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 5/10 đến nay đã để lại những hậu quả nặng nề cho dải đất miền Trung: hàng trăm công trình công cộng bị tàn phá, gần 700 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn; hàng ngàn ha lúa, hoa màu bị vùi lấp, gần 4.000ha thủy sản bị thiệt hại; 445.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Và đau đớn nhất là đã có tới 61 người chết, 4 người mất tích. Đa số người bị nạn là chèo thuyền qua sông suối bị lật, chìm, chạy xe máy qua nơi ngập nước bị cuốn trôi…

Theo dự báo, những ngày tới mưa lũ tại các tỉnh miền Trung còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.

Phải làm gì để không còn những mất mát tang thương do bão lũ gây ra?

Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó với tình hình mưa lũ miền Trung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường có chia sẻ: “Kinh nghiệm phòng chống thiên tai cho thấy, cẩn thận bao nhiêu vẫn thiếu mà chủ quan một tý cũng thừa!”. Vụ việc 2 vợ chồng anh L.T.Q. ở Quảng Nam trên đường đi ăn cưới về nhà thì bị nước lũ cuốn trôi là một trong những ví dụ điển hình về sự chủ quan của người dân trước sức mạnh đáng sợ của thiên tai. Hôm đó, trên đường về nhà, tới đoạn nước chảy xiết, dù lực lượng chức năng địa phương chốt đã cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại, nhưng vợ chồng anh Q. vẫn tìm cách lội bộ qua đoạn ngập nước. Khi đi được một đoạn, hai vợ chồng không may bị nước lũ cuốn trôi…

Mỗi năm nước ta hứng chịu hơn 10 cơn bão cùng với nhiều loại hình thời tiết dị thường như hạn hán, dông lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… cướp đi sinh mạng của 300-400 người, thiệt hại vật chất ước tính từ 1% đến 1,5% GDP cả nước.

Phải làm gì để không còn những mất mát tang thương do thiên tai gây ra?

Thiên tai luôn tiềm ẩn yếu tố khó lường và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu mọi người được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó với thiên tai để chủ động vận dụng sáng tạo thì có thể giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một trong những định hướng đúng đắn giúp người dân có kiến thức về thiên tai để chủ động phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng là nâng cao nhận thức, cung cấp những kiến thức cơ bản về thiên tai và các biện pháp phòng tránh cho họ, đặc biệt là cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. Có ý thức về sự nguy hiểm của thiên tai, các em học sinh sẽ chấp hành và chủ động tham gia công tác ứng phó với thiên tai, tự bảo vệ bản thân và gia đình, tích cực và chủ động ứng phó với thiên tai.

Trong việc phòng chống thiên tai, truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Với trách nhiệm của mình, truyền thông có thể đưa ra nhiều góc nhìn đa chiều về những giải pháp, phương án hỗ trợ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai theo từng tình huống cụ thể, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức - từ ứng phó sang chủ động phòng tránh và tiến tới quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực, sự phối hợp hành động của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân.

Khi thiên tai xảy ra, trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nếu không có sự bảo vệ kịp thời của cha mẹ, người thân. Do vậy, công tác truyền thông phòng chống thiên tai, xây dựng ý thức đối phó với các tình huống thiên tai cho các em học sinh có ý nghĩa quan trọng. Bằng việc đưa nội dung giáo dục phòng chống và giảm nhẹ thiên tai xen kẽ với các môn học, các em học sinh sẽ có điều kiện tiếp cận với những kiến thức về các dạng thiên tai chính thường xảy ra ở nước ta như hạn hán, mưa bão, lũ quét, sạt lở đất, qua đó học các kỹ năng phòng tránh cho mình, gia đình và cả cộng đồng.

Mặc dù Việt Nam đã được thế giới biết đến như là một nước rất thành công trong công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” nhưng ý thức ứng phó với thiên tai trong đại bộ phận người dân vẫn chưa cao. Truyền thông nhiều hơn nữa về phòng chống thiên tai sẽ giúp người dân “giật mình”, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động các giải pháp phòng tránh, nhất là khi di chuyển bằng ghe, thuyền, đi qua những khu vực bị sạt lở, ngập sâu.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.