Bảo đảm an toàn các hồ đập
Hiện nay, nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt chính và chủ yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh được lấy từ các hồ chứa nước như: Đá Đen, Sông Ray, Sông Hỏa, Kim Long, Núi Nhan, Đá Bàng, Suối Các, Châu Pha, đủ để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng như trong những năm sắp tới. Chất lượng cấp nước sinh hoạt tại các nhà máy cấp nước bảo đảm quy chuẩn chất lượng nước cấp sinh hoạt. Đó là nhờ tỉnh BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước và hồ đập.
Tuy nhiên theo cảnh báo của các cơ quan chức năng tỉnh, vẫn còn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn nguồn nước như: Hoạt động trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học quá liều lượng, thải bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định; nhiều nguy cơ ảnh hưởng do tác động của các yếu tố tự nhiên (lũ lụt, hạn hán)... Đặc biệt là trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, nguy cơ mất an toàn về hồ đập là rất lớn.
Do đó, cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự phát triển của tỉnh để có giải pháp, kế hoạch khai thác tiết kiệm, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế. Trong đó, việc thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng đầu nguồn, làm tăng khả năng giữ nước, bảo vệ an ninh nguồn nước cần được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho việc cấp nước sinh hoạt và an toàn hồ đập, tỉnh BR-VT cần phối hợp với tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn khu vực thượng nguồn hồ Sông Ray, hồ Đá Đen. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Theo đó, Sở NN-PTNT phải tiến hành rà soát, đánh giá năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định; điều chỉnh phân cấp quản lý, khai thác cho phù hợp với quy định và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân; tuyệt đối không giao cho tổ chức, cá nhân không có đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi; định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu, giảm thiểu thiệt hại…
Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương thì mỗi cá nhân cũng cần nêu cao tinh thần tự giác, chung tay, góp sức để bảo vệ nguồn nước thông qua sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động sản xuất. Mọi hành động dù là nhỏ bé, nếu gộp lại của toàn cộng đồng, toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả lớn trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập đang đặt ra cấp thiết, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả.
PHƯƠNG ANH