.

Xử lý các điểm đen môi trường

Cập nhật: 21:21, 14/02/2020 (GMT+7)

Trong tiến trình đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết đối với việc bảo vệ môi trường. Sự phát triển nhanh, quy mô rộng khắp của các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn với nhiều loại hình sản xuất đa dạng, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, thì tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn và các khu đô thị mới đang là bài toán nan giải đối với chính quyền các cấp và các ban, ngành có liên quan.

Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, cả nước có hơn 4.500 cơ sở sản xuất, hơn 1.500 làng nghề gây ô nhiễm môi trường, gần 250 KCN cần được kiểm soát về khả năng gây ô nhiễm. Mặc dù, chính quyền các cấp đã ban hành các văn bản liên quan đến việc quản lý các làng nghề, các cơ sở sản xuất (nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm) thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm; vận động các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm áp dụng các tiến bộ của khoa học -kỹ thuật vào phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến, bảo đảm các sản phẩm được sản xuất ra đáp ứng được các yêu cầu về VSATTP. Thế nhưng, hầu hết ở các cơ sở, làng nghề việc sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm vẫn chưa thực hiện nghiêm túc các quy định. Nhiều cơ sở sản xuất tại các hộ gia đình thực hiện chế biến thực phẩm ngay tại những nơi không bảo đảm vệ sinh, như gần khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, gần hệ thống cống rãnh không nắp đậy. Nguy hại hơn, thành phẩm sau khi sơ chế được phơi ngay các lề đường phủ đầy bụi và ruồi nhặng, còn người trực tiếp sản xuất thì không được trang bị các đồ dùng để bảo đảm ATVSTP.

Mặc khác, nếu năm 1996 cư dân đô thị chỉ mới dừng ở mức 19% dân số của cả nước, thì đến năm 2010 đã đạt mức 30% và dự kiến sẽ tăng lên 45% vào cuối năm 2020 này. Đây thực sự là sức ép rất lớn về môi trường trong quản lý đô thị của nước ta.

Trong xu thế chung, mặc dù tỉnh BR-VT được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường sống hàng đầu của cả nước, nhưng áp lực về ô nhiễm là không tránh khỏi. Mới đây UBND tỉnh BR-VT đã ban hành công văn số 727/UBND-VP yêu cầu UBND các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, TX Phú Mỹ, TP.Bà Rịa khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xử lý các điểm đen đang gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đô thị. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực để triển khai kế hoạch, bảo đảm mục tiêu năm 2020 phải xử lý dứt điểm các điểm đen về môi trường, không để phát sinh những điểm đen mới.

Thực tế cho thấy, ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường sống đang lan rộng không chỉ từ các KCN và các khu đô thị mới, mà còn phổ biến ở cả nhiều vùng nông thôn. Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị (tháng 11/2004) về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH” đã khẳng định bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Các địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.

Chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững là biện pháp hiệu quả nhất có khả năng phòng ngừa và hạn chế tối đa các tác động xấu với môi trường. Những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua chủ yếu là do các cấp, các ngành thường nặng về quan tâm tới các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, chưa bảo đảm hài hòa, cân bằng trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội về nhận thức và hành động, trong chỉ đạo điều hành và đặc biệt trong tổ chức triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề cao năng lực quản lý nhà nước về quản lý môi trường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

 HOÀNG LÊ

.
.
.