Chuyện cái khẩu trang
Chiều 31/1, khi chạy xe trên đường phố Vũng Tàu, tôi bắt gặp một hiện tượng “bất thường”: Trong khi di chuyển, rất nhiều người trùm khẩu trang kín mít. Họ làm vậy là để bảo vệ bản thân trước dịch cúm viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV). Theo phản xạ, tôi ghé vào một nhà thuốc trên đường Bacu hỏi mua khẩu trang, cô bán hàng nói ngay “hết khẩu trang từ sáng!”. Hỏi khi nào có lại, cô gái cho biết đang liên hệ với các đơn vị cung cấp ở TP. Hồ Chí Minh nhưng họ chưa trả lời. Tìm tới nhiều nhà thuốc khác ở TP.Vũng Tàu, tôi bắt gặp những tấm biển ghi dòng chữ “hết khẩu trang” thay cho câu trả lời.
Không chỉ Bà Rịa-Vũng Tàu mới có cảnh đó. Xếp hàng, chen lấn để tranh mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn là vấn nạn chung tại nhiều địa phương trong mấy ngày qua. Lợi dụng tình trạng khan hiếm khẩu trang, nhiều nhà thuốc đã găm hàng, tăng giá bán lên hàng chục lần gây hỗn loạn thị trường. Cơ quan chức năng đã có những phản ứng mạnh mẽ, kịp thời. Trong 3 ngày ra quân, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 1.221 cửa hàng găm, “thổi” giá khẩu trang; Cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh những hành vi vi phạm, bán không đúng giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh thiết bị y tế, những trường hợp kêu gọi không bán khẩu trang trên Facebook; Sẵn sàng rút giấy phép kinh doanh những hiệu thuốc tăng giá bán khẩu trang. v.v…
Chuyện cái khẩu trang tưởng nhỏ hóa ra không nhỏ.
Khi dịch cúm viêm phổi cấp do virus Corona bắt đầu diễn biến phức tạp ở nước ta, nhu cầu khẩu trang ngày càng tăng vọt. Ngành y tế cho biết cả nước hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế 3 lớp với năng lực sản xuất hơn 1,24 triệu chiếc/ngày, đủ để phục vụ người dân phòng chống virus Corona. Thế nhưng, sau 2 tuần phát sinh đại dịch, điểm yếu của ngành sản xuất khẩu trang nước ta lộ ra: hầu hết nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc mà nước này thì cũng đang thiếu nguyên liệu sản xuất, phải nhập từ nước khác. Nhiều DN sản xuất khẩu trang xác nhận hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang rất căng thẳng, chỉ đủ để sản xuất trong khoảng 7-10 ngày tới. Tình trạng này đặt các bộ ngành chức năng trước một trách nhiệm nặng nề: giúp các DN nhập nguồn nguyên liệu từ thị trường khác thay cho Trung Quốc, đó là cách đưa thị trường khẩu trang y tế sớm trở lại ổn định.
Chuyện cái khẩu trang càng thêm “nóng” khi hôm qua nhiều tiểu thương, nhà thuốc ở Hà Nội đăng bài kêu gọi nhau ngừng nhập và bán khẩu trang khiến cộng đồng mạng bức xúc. Dư luận đồng tình với ý kiến của ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội khi ông nói: “Trong lúc cả xã hội đang nỗ lực chống lại dịch bệnh thì đây là hành động vô đạo đức. Chúng tôi sẽ điều tra, xử lý đến cùng trường hợp này, thậm chí xem xét xử lý hình sự”. Quả thật, trong khi rất nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua khẩu trang phát miễn phí cho người dân thì cách hành xử của những tiểu thương, nhà thuốc trên là rất thiếu tình người, coi thường tính mạng người khác.
Những nhà thuốc cố tình găm hàng, bán khẩu trang với giá cắt cổ có thể “trúng đậm” hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhưng chính họ đã đem lại thảm kịch cho cộng đồng và gây họa cho mình. Họ không nhận thức được rằng, trong đại dịch chỉ một người không an toàn thì những người khác đều có nguy cơ lây nhiễm. Về phía người mua, nếu bạn lo xa, mua gom nhiều hộp khẩu trang “thủ” sẵn trong nhà cả tháng không dùng đến cũng là tiếp tay cho hành vi nâng giá trong thời điểm này. Nhận ra điều đó, cả người bán lẫn người mua mới không ứng xử như vậy với cái khẩu trang.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là “phép thử” đối với người dân, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các DN, tiểu thương trong việc ứng phó với dịch bệnh. Đó cũng là “bài kiểm tra lớn” đối với hệ thống và năng lực quản trị của ngành y tế trong việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu thuốc men, trang thiết bị y tế, không để bị động trong tương lai.
HẢI LĂNG