.

Học qua mạng - nên duy trì kể cả khi hết mùa dịch

Cập nhật: 20:11, 10/02/2020 (GMT+7)

Sau 2 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, con gái tôi rất háo hức được đến trường, gặp lại thầy cô, bạn bè. Vậy nhưng, dịch bệnh do virus Corona buộc tất cả các trường phải tạm đóng cửa thêm 2 tuần. 

Cũng giống như nhiều bạn học khác, cháu đang học lớp 9 và chuẩn bị ôn thi chuyển cấp, lên lớp 10 nên vô cùng sốt ruột do kỳ nghỉ dài. Vậy nên, khi được cô giáo chủ nhiệm thông báo trên nhóm của lớp qua Zalo về việc học sinh sẽ tự học ở nhà qua mạng internet với các bài tập được thầy cô bộ môn chuyển lên mạng, con gái tôi đã vỡ òa sung sướng! Ngay lập tức, cả nhà tôi đã xúm xít quanh chiếc máy vi tính, loay hoay vào phần mềm mà nhà trường ứng dụng là SHUB CLASSROOM để tải bài tập về máy cùng giải và tương tác với giáo viên bộ môn khi cần. 

Một buổi học tập thể thật thú vị và đầy hứng khởi! SHUB CLASSROOM - là lớp học dịch vụ miễn phí dành cho các trường học, tổ chức phi lợi nhuận và bất kỳ ai có tài khoản Google cá nhân. Lớp học giúp người học và giáo viên dễ dàng kết nối bên trong cũng như bên ngoài trường học. Thông qua SHUB CLASSROOM, cả hai bên cùng tương tác trực tuyến, giải quyết các vấn đề như ở một lớp học bình thường nhưng cả người dạy và người học không cùng phải đến lớp mà hiện diện qua giao diện máy tính để trao đổi các thông tin. 

Ở một số trường học khác, với giáo viên khác, việc học trực tuyến để đối phó với việc nghỉ học kéo dài được áp dụng qua các ứng dụng Zalo, Facebook cũng mang tính hiệu quả khá cao. 

Học qua mạng internet hay học online không phải là khái niệm mới, chỉ khi dịch Corona bùng phát và các nhà trường, giáo viên tìm cách đối phó thì hình thức dạy và học trực tuyến “lên ngôi”. Lâu nay, trên mạng internet các dịch vụ dạy-học trực tuyến đã khá nở rộ và dành cho những người không có thời gian đến trường, lớp để tham gia các khóa học như Tiếng Anh, nhạc hay họa… Thậm chí là cả những bài giảng hay về ngữ Văn và Toán cũng được chia sẻ trên mạng để ai có nhu cầu thì cùng tham khảo, cùng học trực tuyến. Tất nhiên, có những dịch vụ trực tuyến miễn phí, nhưng cũng có dịch vụ thu phí, nhưng không đáng kể, có thể phù hợp mọi đối tượng, mọi khu vực, miễn là có mạng internet và thiết bị kết nối (máy tính, điện thoại thông minh…). 

Phải thừa nhận rằng, học online có nhiều tiện ích, nhất là trong mùa dịch như hiện nay, nhà trường có thể phải đóng cửa lâu dài (đối với các tỉnh có yếu tố nguy cơ), nhưng cũng lại khá bất lợi cho những học sinh ở vùng xa, nơi điều kiện còn khó khăn. Đối với các cấp học ở lứa tuổi tiểu học hay trung học cơ sở cũng ít thuận tiện hơn do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tin học để có thể tự mình học online, buộc phải có sự kèm cặp của phụ huynh và điều này cũng đòi hỏi phụ huynh phải có hiểu biết về tin học, sử dụng được ứng dụng trên internet. Chính vì vậy, việc dạy và học online sẽ khả thi hơn khi triển khai ở khu vực thành thị. 

Việc ngành giáo dục linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh Corona đã gợi mở một giải pháp căn cơ hơn: tổ chức học online cho học sinh thành phố và nên duy trì về lâu dài bởi những tiện ích mà nó mang lại. Khi đã trở thành một trong những phương pháp dạy học trực tuyến, việc tổ chức đòi hỏi sẽ phải bài bản, quy mô và khoa học hơn. Với những bài giảng được tổ chức ghi hình một cách chuyên nghiệp và được đẩy lên ứng dụng của trường, giáo viên bộ môn cũng có trách nhiệm lập các nhóm trên mạng xã hội để giải đáp thắc mắc, phụ đạo qua mạng cho học sinh của lớp hoặc khối mình phụ trách. Học sinh cũng có thể tổ chức học nhóm qua mạng, bài sau khi làm xong có thể được chấm qua mạng và giáo viên cũng có thể kiểm tra trình độ của học sinh qua mạng dễ dàng, tiện lợi. 

ĐỨC MINH

.
.
.