.

Kích cầu du lịch

Cập nhật: 20:49, 21/02/2020 (GMT+7)

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đang tác động nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ngành du lịch. 

Trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan qua nước ta, chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt, chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch. Nhờ đó, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Tính đến 17 giờ ngày 21/2, đã có 15/16 trường hợp mắc bệnh được chữa khỏi tại Việt Nam. 

Tuy vậy, do lo ngại dịch bệnh, nhiều du khách đã tạm hoãn hoặc hủy tour. Bên cạnh đó, từ cuối tháng 1, Việt Nam cũng tạm ngưng đón khách Trung Quốc - thị trường trọng điểm của du lịch nước ta - để phòng chống dịch. Các yếu tố này đã khiến lượng khách du lịch sụt giảm, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch và ngành hàng không.

Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm lộ ra những điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam khi cho thấy chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khách Trung Quốc. Tuy vậy, trong nguy cơ, thách thức, nhiều DN du lịch Việt Nam vẫn tìm ra cơ hội, đó là việc tập trung khai thác các thị trường thay thế có sẵn và nguồn khách từ các thị trường mới, đến từ các khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Một trong những thị trường đáng chú ý là khách Nga. Những ngày qua, lượng khách Nga đến các điểm du lịch của Việt Nam đông hơn so với cùng kỳ. Trong đó các điểm đến nổi bật là Khánh Hòa, Phú Quốc.

Các DN du lịch Việt Nam nói chung, du lịch BR-VT nói riêng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Một trong những giải pháp đó là khẳng định điểm đến an toàn thông qua các hình thức quảng bá, tiếp thị. Không đứng ngoài cuộc, ngành du lịch BR-VT cũng đã chủ động thực hiện giải pháp này. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, BR-VT đã chứng minh là điểm đến an toàn. Các hoạt động đón tiếp khách, vui chơi, giải trí vẫn diễn ra bình thường. Thời tiết BR-VT những ngày này rất đẹp, nắng ấm, biển êm. Chuỗi dịch vụ du lịch, khả năng phục vụ của BR-VT còn rất lớn, sẵn sàng đón khách. Ngành du lịch cũng đã có kế hoạch đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh an toàn, sạch đẹp trên các kênh truyền hình, mạng xã hội”. 

Nhưng để đạt hiệu quả cao, việc khẳng định điểm đến an toàn cần thực hiện ở quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia, tạo thành chiến dịch, có tầm bao phủ rộng. Do đó, Bộ VHTTDL và Tổng Cục Du lịch cần vào cuộc. Việc quảng bá cần thực hiện trên các kênh truyền hình có đông người xem; thông qua các hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm nước ngoài. Nội dung quảng bá cần khẳng định và cam kết về điểm đến an toàn để du khách hiểu về Việt Nam nhiều hơn.

Song song đó, ngành du lịch cần sớm triển khai chương trình kích cầu du lịch thống nhất trong cả nước, với các chương trình khuyến mại giảm giá dịch vụ, từ vé máy bay đến khách sạn và các dịch vụ phụ trợ khác để thu hút khách. Mới đây nhất, ngày 21/2, Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa 2020. Theo đó, 40 DN trên địa bàn thành phố tham gia chương trình này cam kết giảm giá dịch vụ từ 25%-50%; hàng không giảm đến 50%, trong khi đường bộ và đường sắt giảm đến 40% giá vé. Dự kiến trong thời gian tới, số DN tham gia chương trình sẽ tiếp tục tăng lên. 

Tuy nhiên, sự nỗ lực của DN thôi chưa đủ. Các chuyên gia du lịch cho rằng để gỡ khó cho ngành du lịch, chính phủ cần sớm mở rộng chính sách miễn thị thực (visa) đơn phương cho khách đến Việt Nam từ các quốc gia trọng điểm về du lịch như: Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ, bên cạnh các quốc gia được miễn thị thực đang áp dụng hiện nay. Đồng thời, các ngành chức năng như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng sớm nghiên cứu, có giải pháp cải thiện hơn nữa về chính sách visa, đặc biệt là thị thực điện tử (e-visa), phí visa, thời gian làm thủ tục cấp visa cho du khách.

Hy vọng rằng, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch BR-VT nói riêng sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục khẳng định là điểm đến an toàn, tin cậy của du khách.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.