.

Sao không là bạn của con?

Cập nhật: 06:20, 23/11/2019 (GMT+7)

Một trong những vấn đề gây nên sự lo ngại của dư luận hiện nay là tình trạng phạm pháp của lứa tuổi vị thành niên, đặc biệt là vấn nạn bỏ nhà đi bụi, ăn chơi, sử dụng ma túy. Không ít em đã chọn những giang hồ mạng như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Dũng Trọc, Huấn Hoa Hồng như những đại diện của phong cách sống. Nhiều phụ huynh lo ngại thần tượng giang hồ mạng thì sẽ trở thành bản sao của giới này.  

Các chuyên gia đã phân tích nhiều để tìm ra nguyên nhân và hầu hết các ý kiến đều cho rằng tình trạng phạm pháp của giới trẻ phần lớn là do sự thờ ơ, thiếu sự quan tâm, tình thương yêu của gia đình. Nhiều phụ huynh mê mải việc mưu sinh, không quan tâm đến việc quản lý và giáo dục con cái. Nhưng ở chiều ngược lại có không ít phụ huynh quản lý con cái quá chặt chẽ đến mức cực đoan mà không hề cảm thấy áy náy về việc này. 

Một vị phụ huynh - vốn là một công chức, thú nhận rằng, trong một thời gian dài anh đã thiết lập “hàng rào” kiểm soát con khá chặt chẽ. Khi con cái có nhu cầu về giải trí, nghệ thuật, giao lưu kết bạn… anh đã thẳng thừng từ chối. Cho rằng những nhu cầu đó là không cần thiết và suy nghĩ một cách đơn giản “thà cấm đoán còn hơn để nó hư”, nên anh đã kiểm soát chặt nhất cử nhất động của con mình. 

Một phụ huynh khác, độc đoán hơn còn “sắp xếp” sẵn cho con phải thích môn học gì, phải ăn cái gì, phải tập cái gì, phải thi vào đâu, phải theo đuổi nghề gì. Hệ quả là sau một thời gian bị “quản thúc” nghiêm ngặt, các cậu bé, cô bé đã có những biểu hiện lạ: lầm lì ít nói, thường chốt cửa phòng lại không mấy khi trò chuyện, nhiều lúc tỏ thái độ bất hợp tác với cha mẹ. 

Vị phụ huynh chia sẻ, đành rằng những cấm đoán có phần “thô bạo” ấy xuất phát từ sự quan tâm đến con cái, nhưng cũng không dễ chấp nhận vì đó không phải là giải pháp tốt nhất. Bị kiểu quản lý câu thúc đó, lớp trẻ càng cảm thấy bức bối, nhiều em đã không ngần ngại “xé rào”, tìm mọi cách nói dối cha mẹ để thoát ra ngoài. Không khó để hình dung những gì sẽ xảy ra khi các em không coi gia đình là điểm tựa vững chắc. Chắc chắn đó sẽ là những điều tệ hại bởi các em chưa có đủ kinh nghiệm sống để phân biệt và đối phó với mặt trái của cuộc đời khi tìm đến những “điểm tựa” khác ở bên ngoài. Thật đáng lo khi các em vẫn sống trong gia đình nhưng tâm hồn chúng không còn thuộc về gia đình nữa!

Sự cấm đoán không hợp lý sẽ làm tổn thương tinh thần lớp trẻ. Khi đã mang trong mình nỗi mặc cảm, tự ti, suy nghĩ chất chứa nhiều bất mãn… lớp trẻ khó có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, thiếu đi sự tự tin và bản lĩnh vượt qua vấp ngã. Đó mới chỉ là những phản ứng “thụ động”, chưa nói đến những phản ứng mang tính tiêu cực khác dẫn đến các hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. 

TS. Phạm Thị Thúy,  giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, người có nhiều năm làm nghề tham vấn tâm lý có một khuyến cáo thấu tình đạt lý rằng, thương con đúng cách là dạy con dựa trên sự hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ, đáp ứng nhu cầu của trẻ trên quyền lợi lâu dài cho trẻ chứ không phải quyền lợi trước mắt, giúp trẻ nhận ra những điều đúng và sai, điều nên làm và không nên làm dựa trên sự tôn trọng trẻ chứ không áp đặt. 

“Không thể là người hướng đạo giỏi nếu không biết rõ về con đường”. Với ý nghĩa đó, các bậc phụ huynh không thể không quan tâm tìm hiểu về sự phát triển của xã hội, từ đó đồng cảm với những nhu cầu chính đáng của lớp trẻ, dựa vào đó để dẫn dắt con em mình đi đúng hướng, hòa nhập vào xã hội, cộng đồng một cách tốt đẹp nhất. Chúng ta luôn nhắc đến những nguyên tắc đạo đức có giá trị muôn đời, nhưng cách thể hiện hoặc phương pháp giáo dục luôn đòi hỏi sự thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện tại. Mọi phương pháp giáo dục đều phải dựa trên sự tôn trọng và tình yêu thương con trẻ. 

Gia đình là điểm tựa vững vàng, là nền tảng cho sự phát triển về tinh thần của con trẻ. Hãy xem con em mình như một người bạn, tạo điều kiện để các em tự khẳng định cái tôi độc lập của mình!

HẢI LĂNG

 

.
.
.