Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Từ năm 1999, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua hơn 10 năm thực thi, Pháp lệnh đã thể hiện nhiều bất cập và không điều chỉnh kịp theo sự thay đổi của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, ngày 17/11/2010, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Tiếp theo đó, ngày 10/7/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Từ tiến trình hoàn thiện khung pháp lý, từ năm 2016 đến nay, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tỉnh BR-VT đặc biệt quan tâm. Nhiều chương trình xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, gắn trách nhiệm của DN trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện. Cụ thể là chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN trong hoạt động xúc tiến thương mại, sự kiện công cộng nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh lành mạnh của các DN. Khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hàng năm, tỉnh đều có Kế hoạch triển khai thực hiện các công việc, đặc biệt là công tác tuyên truyền, tập huấn, thanh tra, kiểm tra. Trong năm 2019, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Công thương đã thành lập Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng và điều kiện giao dịch chung của 9 DN kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Qua đó phát hiện và ra quyết định xử phạt 2 DN vi phạm với tổng số tiền xử phạt hành chính 120 triệu đồng. Ngoài ra, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh trong thời gian qua cũng đã tiếp nhận 7 đơn khiếu nại của người tiêu dùng và 29 cuộc tư vấn qua điện thoại, chủ yếu là việc khiếu nại thực phẩm kém chất lượng, hàng kém chất lượng. Các vụ việc đều được Hội giải quyết thỏa đáng.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dù đã được quan tâm nhưng trên thực tế vẫn còn tình trạng người dân mua phải hàng hóa giả nhãn hiệu, nhái, không rõ nguồn gốc... bán tràn lan ngoài thị trường. Hiện tượng DN làm ăn chụp giật, thậm chí là quảng cáo sai sự thật về sản phẩm cung cấp để đánh lừa người tiêu dùng còn xảy ra.
Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, thị trường hàng hóa diễn biến phức tạp. Ðây là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả để trục lợi. Nhằm ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng này, giữ vững ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp tết, như: quần áo, giày dép, lương thực thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh, mỹ phẩm… Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hoạt động thương mại nhằm nâng cao nhận thức, ngăn ngừa vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương, đặc biệt là tại những khu vực vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền cần đa dạng hóa dưới mọi hình thức nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng.
PHÚC MINH