Để gạo Việt vươn xa
Thông tin loại gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức ở Philippines vừa qua đã làm nức lòng bao người dân Việt. Theo đó, tại Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) diễn ra mới đây, gạo ST25 của Việt Nam đã vượt qua gạo của các nước như Thái Lan, Campuchia để lần đầu tiên nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi này. Đây là dòng lúa thơm do kỹ sư - Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua (Sóc Trăng) lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên hạt gạo Việt Nam được vinh danh trên trường quốc tế. Từ năm 2015, Việt Nam đã có loại gạo AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời lọt top 3 loại gạo ngon nhất thế giới. Ngay sau khi nhận danh hiệu, loại gạo này đã liên tục nhận được các đơn hàng xuất khẩu và phải từ chối nhiều đơn hàng vì không đủ lượng để xuất khẩu.
Hay mới đây, với sản phẩm gạo hữu cơ Ong Biển (do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Nam, TX. Phú Mỹ liên kết với nông dân sản xuất), qua nghiên cứu của Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản cho thấy loại gạo này đã vượt qua hơn 545 chỉ tiêu về chất lượng. Đồng thời gạo hữu cơ Ong Biển tích hợp được 2 hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B, 2 hợp chất có tác dụng chống bệnh tiểu đường, béo phì, gout. Theo PGS Trần Đăng Xuân - Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima (Nhật Bản), 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B có trong gạo hữu cơ Ong Biển này còn quý và đắt hơn vàng gấp 30.000 lần. Bởi, theo kết quả bước đầu, hợp chất Momilactone A bằng 100, hợp chất Momilactone B bằng 50. Trong khi đó các loại lúa gạo đặc sản mà Trường ĐH Hiroshima đã từng kiểm chứng của 2 hợp chất trên chỉ được 1%. 2 hợp chất Momilactone A và Momilactone B trước đó từng được trang điện tử Carbosynth.com, một công ty chuyên về các sản phẩm hóa sinh nổi tiếng của Anh, bán với giá 1,25 triệu USD cho 1g (đắt gấp 30.000 lần giá trị 1g vàng).
Những ví dụ trên cho thấy, chất lượng, đẳng cấp gạo Việt Nam không hề thua kém bất kỳ sản phẩm của quốc gia nào. Đến nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ... Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn cung gạo thế giới dư thừa từ Thái Lan và Ấn Độ nên gạo Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt trên thế giới và khu vực. Số liệu thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, 10 tháng năm 2019, xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn, trị giá 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân sụt giảm giá trị là do giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, gạo Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Ðộ, Thái Lan. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia truyền thống đều giảm, đặc biệt xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh cả về số lượng và giá trị do Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại, đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, đồng thời siết chặt các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các quy định kỹ thuật khác như tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng…
Việc nâng cao giá trị gạo Việt đã được nói đến từ lâu nhưng chưa đem lại kết quả như mong muốn. Do đó, hơn bao giờ hết các vùng sản xuất lúa gạo cần phải lựa chọn chiến lược tập trung vào chất lượng để tăng giá trị, thay vì tập trung vào sản lượng nhưng bán giá rẻ. Trên thực tế, thế giới đang đi theo xu hướng tiêu dùng các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường hơn, đồng nghĩa với sử dụng ít phân hóa học và thuốc trừ sâu, trừ cỏ độc hại. Ngành lúa gạo Việt Nam cũng cần mạnh dạn đoạn tuyệt hẳn với tiêu chí tăng năng suất bằng mọi giá, không chạy đua xuất khẩu về số lượng, thay vào đó tập trung cho chất lượng và giá trị.
Để hạt gạo Việt vươn xa, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới, đã đến lúc Nhà nước cần phải quyết liệt sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, sản xuất theo chuỗi; xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, giảm giá thành, làm ra gạo đẹp, ngon cơm, an toàn. Đồng thời phải quản lý chặt chẽ các nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, tập trung đầu tư làm giống tốt, nâng cao chất lượng hạt gạo ngon. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật như nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng, tem nhãn mác… Bởi lẽ, trong thời gian tới, chắc chắn đây sẽ là những quy định, yêu cầu được đưa ra đối với mặt hàng gạo của rất nhiều quốc gia nhập khẩu trên thế giới.
NGÔ GIA